Cách mạng 4.0: Thách thức đổi mới đối với các trường kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam
Tại Mỹ, MIT vừa tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho Schwarzman College of Computing – một trường mới đào tạo theo hướng tích hợp liên ngành, đồng thời cam kết cải cách mô hình quản trị để thích ứng với sự phát triển quá nhanh của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
PGS. TS. Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VJU.
Điều này cho thấy, ngay đến những nơi hiện đang ngự trị trên đỉnh cao khoa học công nghệ của thế giới cũng đang phải rất nỗ lực chuyển mình trước những thách thức của xu hướng 4.0. Vì thế, để tránh nguy cơ ngày càng tụt hậu, các quốc gia có xuất phát điểm thấp như Việt Nam cần thiết phải hành động quyết liệt hơn nữa, nhất là trên địa hạt giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Đó cũng chính là chủ đề của Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức với các ngành công nghệ – kỹ thuật” diễn ra vào sáng 27/10 tại cơ sở Mỹ Đình của Đại học Việt Nhật (VJU, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp kỹ nghệ hàng đầu.
Tại sự kiện, các diễn giả đã cùng chia sẻ tham luận, làm rõ những bản chất và đặc trưng của cuộc Cách mạng 4.0, từ đó đưa ra nhiều đề xuất cải cách lẫn định hướng giúp kiến tạo nền tảng và có bước chuẩn bị đầy đủ … để khối các trường, viện, cơ sở đào tạo kỹ thuật – công nghệ của Việt Nam có thể đáp ứng được tốt nhất nhu cầu thực tiễn xã hội, và xa hơn nữa là đưa đất nước bứt phá và giành lấy những lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
PGS. TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội – nêu nhận định, chính những bước tiến đáng kinh ngạc trên một số lĩnh vực trụ cột của Cách mạng 4.0 như Công nghệ thông tin (CNTT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Tự động hóa … đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các trường, viện cần sớm thực hiện đổi mới, trong cả hoạt động đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học. Cụ thể, chương trình buộc sẽ phải thay đổi theo hướng tích hợp, liên ngành (interdisciplinary), tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực nền tảng và công nghệ lõi (hay công nghệ nguồn). Nội dung đào tạo cũng cần được thiết kế lại, theo hướng chú trọng kiến thức cơ bản, sâu, rộng và tích hợp nhiều môn học nhằm nâng cao hiệu quả sáng tạo và khả năng thích ứng của sinh viên. Phương thức đào tạo cũng phải chuyển sang lấy việc học (thay vì dạy) làm trung tâm, thông qua cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học, trong đó có tăng cường các công cụ học trực tuyến hoặc trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo. Ngoài ra, cũng do áp lực không ngừng phải đổi mới và xu hướng chu trình sản phẩm đang ngày càng trở nên ngắn lại, các trường, viện cần nỗ lực tự chủ để tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu, không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước. Thứ nữa, phương thức tổ chức nghiên cứu cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các nhóm liên ngành, liên trường, … và gắn chặt hoạt động nghiên cứu với đào tạo ở bậc sau đại học lẫn đào tạo cử nhân, kỹ sư chất lượng cao … ngoài ra, cũng không thể tách rời nhiệm vụ nghiên cứu với mục đích phát triển và thương mại hóa sản phẩm nhờ mối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với khối doanh nghiệp.
Cũng theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến ĐH Công nghệ, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng của ĐH Việt Nhật, xu hướng 4.0 tất yếu đang tạo ra sự chuyển dịch, khiến các đại học nghiên cứu hàng đầu phải trở thành đại học đổi mới sáng tạo, với 3 đặc trưng cơ bản là Innovation Factor (tác nhân đổi mới), Digital Factor (tác nhân số) và Research Factor (tác nhân nghiên cứu). Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trong triết lý và cơ cấu lại các chương trình đào tạo. Cụ thể, bên cạnh tri thức nền tảng, kiến thức ngành, chuyên ngành, ngoại ngữ, CNTT và kỹ năng mềm … các trường cũng cần trang bị thêm cho người học tầm nhìn, năng lực thu thập, xử lý, kiểm soát thông tin, cùng với cảm hứng để có khát vọng đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Theo đó, bên cạnh những giá trị bất biến của nền giáo dục khai phóng, chúng ta còn cần chú trọng thêm nữa cho các lĩnh vực thuộc STEM, thông qua một triết lý rõ ràng, dễ hiểu và dễ vận dụng trên giảng đường.
GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức trình bày tham luận. Ảnh: VJU.
Ngoài ra, một nhiệm vụ sống còn khác, đó là Việt Nam cần phải có chiến lược bài bản và ưu tiên mạnh mẽ hơn cho các nhóm nghiên cứu mạnh, viện nghiên cứu tiên tiến và trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong những lĩnh vực đã được xác định là trọng điểm, … bên cạnh nhu cầu tiếp cận, chuyển giao, hấp thụ và làm chủ các công nghệ lõi để sớm theo kịp trình độ của thế giới. Tuy nhiên, để các chiến lược này thực sự thành công thì bài học của nhiều nước cũng cho thấy, mấu chốt vẫn nằm ở công tác tuyển dụng và đối đãi nhân tài … Nhìn chung, chúng ta nên sớm có chính sách cởi mở hơn để thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật – công nghệ chất lượng lượng cao, cả ở trong nước lẫn quốc tế, đặt biệt là giới trẻ. Làm sao tập hợp và tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm phát huy tối đa nguồn lực sáng tạo khổng lồ này, có vậy mới hy vọng nắm bắt được những cơ hội từ làn sóng mới của tương lai. Điều này vừa là trách nhiệm chung, những cũng lại phụ thuộc vào lối tư duy và năng lực thích ứng trước những đổi thay của môi trường, bên cạnh quyết tâm chính trị của tất cả lãnh đạo tại các bộ, ban, ngành, viện, trường, cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học …