SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng kỹ thuật xác định kiểu gen bằng giải trình tự (GBS) để sàng lọc các đa hình nucleotide đơn (SNPs) liên quan đến tính trạng tăng trưởng ở tôm sú (Penaeus monodon)

[01/11/2018 08:42]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Thanh, Nguyễn Thị Hoa, Hà Thị Thu, Vũ Thị Hiền, Nguyễn Đình Duy, Trần Xuân Thạch, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đồng Văn Quyền, Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyễn Quyết Tâm, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Sáng - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Đăng Tôn, Ma Thị Huyền Thương, Kim Thị Phương Oanh, Nông Văn Hải - Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Nguyễn Hữu Ninh - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ảnh minh họa: sưu tầm

Hiện nay, ngành nuôi tôm sú (Penaeus monodon) ở Việt Nan vẫn chưa thực sự phát triển bền vững do gặp nhiều khó khăn, trong đó có thách thức lớn về nguồn tôm sú giống. Để có được giống tôm sú chất lượng cao đòi hỏi phải có những nghiên cứu di truyền cải thiện chất lượng giống. Ứng dụng chỉ thị phân tử kết hợp với di truyền số lượng trong chọn giống là phương pháp hiệu quả nhờ thực hiện việc chọn lọc không cần trực tiếp trên tính trạng mong muốn mà thông qua chỉ thị phân tử liên kết với tính trạng đó. Công nghệ giải tình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing, NGS) kết hợp với các tính trạng số lượng để tìm ra các chỉ thị phân tử liên kết các tính trạng quan trọng là hướng đi đang được nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng kỹ thuật xác định kiểu gen bằng giải tình tự (Genotyping by Sequencing, GBS) với công nghệ NGS của Illumina để sàng lọc các đa hình nucleotide đơn (Single Nucleotide Polymorphisms, SNPs) liên quan đến tính trạng tăng trưởng nhằm tạo cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu chọn giống tôm sú hướng đến tính trạng tăng trưởng nhanh. Dựa trên hệ gen tham chiếu tạm thời của tôm sú được thiết lập de novo, tổng số 2.887 SNPs đã được sàng lọc, trong đó có 1.799 SNPs chỉ xuất hiện ở nhóm tôm sú lớn nhanh. Trong số 287 contig được chú giải ở nhóm tôm sú lớn nhanh có hai contig chứa SNPs có sự tương đồng với gen mã hóa protein myosin heavy chain (MHC) liên quan đến tính trạng tăng trưởng ở học giáp xác, trong đó contig 83953 tương đồng với MHCa và contig 260347 tương đồng với MHC1. Hai SNPs đã được xác định là Contig83953:g.20T>C và Contig260347:g.19G>A.

Đây là những kết quả bước đầu bổ sung vào Cơ sở dữ liệu hệ gen tôm sú, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm khai thác các chỉ thị phân tử ứng dụng trong chọn giống tôm sú.

Tạp chí Công nghệ sinh học, Tập 16 Số 1 (2018) (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ