SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những biện pháp thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0

[01/11/2018 09:02]

Việt Nam có những cơ hội để đuổi kịp các nền kinh tế phát triển, khi cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) dường như đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ “tụt hậu” trong CMCN 4.0, nếu chúng ta không chuẩn bị tâm thế, nội lực sẵn sàng, và có những cơ chế chính sách nhanh, mạnh, kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 26-10.

Ngày 26-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đa số các đại biểu đều bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ trước những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là chín tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, trước bối cảnh làn sóng CMCN 4.0 đang dâng cao trên toàn thế giới, cộng với thực tế kinh tế nước ta đã và đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế khu vực và thế giới, một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ “tụt hậu” nếu chúng ta không chuẩn bị tâm thế, nội lực sẵn sàng, và có những chính sách nhanh, mạnh, kịp thời.

Nguy cơ "tụt hậu"

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, CMCN 4.0 mở ra cơ hội khi đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, tạo ra những cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, chúng ta cần có “tâm thế” và “nội lực” sẵn sàng cho CMCN 4.0. Thực trạng cho thấy, một bộ phận vẫn còn “dị ứng” với những thay đổi, chưa có tâm thế sẵn sàng đón nhận những đổi mới sáng tạo, chính là “lực cản đáng kể” trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định, mức độ xã hội đón nhận sáng tạo công nghệ - nhân tố quyết định tiến bộ, là một trong những bài học mà cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để lại vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, bài học hơn 200 năm đó không phải ai cũng có thể thẩm thấu.

Về nội lực, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần này, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Về các yếu tố phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, 77 về năng lực sáng tạo, trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho phản ứng 4.0.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, báo cáo gần đây nhất của WEF về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã siết chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam thứ 95/140 quốc gia, trên Lào một bậc và kém Campuchia ba bậc, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mỗi nền kinh tế số.

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, chỉ có 36% các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp sử dụng máy tính và internet để điều hành các tác nghiệp; 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tiếp mức độ 4. Điều đó cho thấy tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử ở nước ta trên thực tế vẫn còn rất chậm so với yêu cầu.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, tuy không nên bi quan nhưng thực tế chúng ta đang có những khó khăn nhất định. Một trong nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia so với thời kỳ trước.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, CMCN 4.0 được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực lao động chuyên môn cao, trình độ khoa học công nghệ. Chính vì vậy, những yếu tố như “giàu tài nguyên” sẽ không còn là lợi thế trong nền kinh tế số.

Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Trong khi tác động tiêu cực của già hóa dân số lên tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ nhiều hơn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Sự “rục rịch hồi hương” của FDI bởi hậu thuẫn của kỷ nguyên robot, người máy và chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm giảm lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam. Từ đó, những chính sách thu hút đầu tư dù hấp dẫn thế nào cũng khó phát huy hiệu quả.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân chia sẻ, qua Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, và đặc biệt là những thông tin mà các diễn giả đã đưa tại phiên họp lần thứ 11 của Đại hội đồng Hiệp hội đô thị khoa học thế giới mà Bình Dương đăng cai thành công thời gian vừa qua, đã cảnh báo không chỉ về xu thế phát triển của thế giới công nghệ thông minh, thành phố khoa học, mà trên hết là những cảnh báo của xu thế phát triển và nền tảng cho các mô hình sản xuất tăng trưởng và quan hệ xã hội trong tương lai.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, trong CMCN 4.0, dù chúng ta thừa quyết tâm nhưng phải tỉnh táo, “biết mình, biết ta” để không chỉ bước đi vững chắc cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, mà trên hết phải xây dựng môi trường thể chế để khoa học công nghệ trở thành người dẫn đường mở lối đi đến thịnh vượng, nhận diện cho được lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số, tìm hướng đi thích hợp để lựa chọn mô hình tăng trưởng cho đất nước một cách thực chất hơn.

Các bộ trưởng tham gia phiên thảo luận ngày 26-10.

Cần có cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, kịp thời

Cùng trăn trở trước những cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 mang lại cho nước ta, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) cho rằng, trong CMCN 4.0, công nghệ thông tin (CNTT) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, không nên coi CNTT là ngành riêng, mà CNTT cần được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động, tương tự như yếu tố về nguồn nhân lực, tài chính, là những yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số.

Theo sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2017, CNTT ở nước ta trong thời gian qua đã có những bước phát triển quan trọng ở cả ba lĩnh vực là: sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ. Trong đó, riêng năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ USD, chiếm 88%; công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ USD, chiếm 5,58%; và dịch vụ CNTT là 5,07 tỷ USD, chiếm 6,42%. So với ngành công nghiệp ô-tô, được coi là ngành rất nóng của năm 2016 với tổng doanh thu là 3,7 tỷ USD, thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng 20 lần.

Mặc dù vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, so với trình độ phát triển CNTT của thế giới, CNTT của nước ta đang “tụt hậu xa”, chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế - xã hội, hay trong điều hành của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho biết, năm 2016, trước nguy cơ “tụt hậu” nếu không bắt kịp xu hướng CMCN 4.0, Chính phủ đã có chỉ thị rà soát lại các chiến lược chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu hướng phát triển. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số.

Tiếp đó, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu, và đã thành lập Ủy ban trọng điểm về CMCN 4.0 tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trước những chủ trương và hành động rất tích cực của Chính phủ kể trên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, cần có cơ chế chính sách “nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch” để phát triển CNTT, nhằm tranh thủ thời cơ để không tụt hậu trong CMCN 4.0.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đã nêu lên một số kiến nghị và đề xuất một số quan điểm, chính sách, như sau:

Một là, cần phải nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số. Ngoài việc hiểu rõ về CMCN 4.0, điều quan trọng là thống nhất nhận thức về tạo tài sản số và lợi thế kinh doanh số thông qua chiếm lĩnh mặt tiền kinh doanh trong không gian số thực. Chính vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra danh sách các tài sản số quốc gia quan trọng cần được xây dựng và có các chiến lược, chương trình phù hợp, trong đó doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng tài sản số quốc gia và nhanh chóng chiếm lĩnh mối kinh doanh quan trọng như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh ...

Hai là, cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về CNTT hay những gì đã lỗi thời. Cần điều chỉnh ngay các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia qua các hệ thống thông tin đang triển khai phân tán rời rạc về thành một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp liên thông. Xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu định danh điện tử và quyền riêng tư về dữ liệu. Đồng thời, cần đổi mới việc triển khai CNTT trong cơ quan Nhà nước theo hướng áp dụng chính sách thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng chung.

Ba là, cần xây dựng hạ tầng số quốc gia và các tài sản số quốc gia. Hạ tầng số quốc gia bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống chính sách quản lý kho dữ liệu quốc gia. Trong hạ tầng số quốc gia, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất. Hạ tầng dữ liệu được hình thành trên cơ sở số hóa các dữ liệu đang có và liên tục tiếp nhận các dữ liệu số hóa mới. Để thực hiện việc này, cần đưa việc kiểm soát dữ liệu trong cơ quan Nhà nước thành yêu cầu bắt buộc giống như kiểm toán tài chính. Qua đó có thể biết được dữ liệu nào cần được hình thành hạ tầng và tài sản số quốc gia. Đồng thời, cần có chính sách quy định cấp độ mở cửa dữ liệu, cơ chế sử dụng chia sẻ dữ liệu, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam được chủ động trong việc cung cấp và sử dụng dữ liệu chung của quốc gia.

Bốn là, cần tạo lập ra một Việt Nam số, xã hội số để người dân trở thành công dân của Việt Nam số. Chính phủ cần sớm có chính sách và dành nguồn lực phù hợp để thực hiện số hóa tài sản văn hóa dân tộc.

Năm là, cần khai thác một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại CMCN 4.0 để chiếm lĩnh những “mặt tiền kinh doanh” và thu hút đầu tư. Khai thác thế mạnh của CMCN 4.0 thực tế còn là cách tạo ra đột phá trong nhiều lĩnh vực. Thí dụ như mở rộng việc áp dụng Internet of Things (IoT) hay “Internet kết nối vạn vật” trong phát triển nông nghiệp thông minh, tạo những bước nhảy vọt trong nông nghiệp.

www.nhandan.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ