Hà Nam hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản bằng tem điện tử
Với chiếc tem điện tử, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh có thể kiểm tra được xuất xứ sản phẩm như: cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng...
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, trải nghiệm sử dụng sản phẩm có dán tem truy xuất.
Ngày 30/10, tại Duy Tiên, Hà Nam, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nam phối hợp với VNPT Hà Nam tổ chức Hội nghị khởi động chương trình hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc nông sản sạch. Chương trình được thực hiện trên cơ sở triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Nam ban hành về Hỗ trợ xây dựng Logo nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sạch; Sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam năm 2018 – 2019.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN, ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nam, ông Cao Đức Đồng - Giám đốc VNPT Hà Nam, lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cùng đông đảo các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn Tỉnh…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ hỗ trợ 42 mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, hoa công nghệ cao có quy mô từ 3 đến 5 ha trở lên và 60 mô hình sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô từ 0,2 ha đến dưới 3 ha tại các huyện thành phố thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc UBND các huyện, thành phố; 10 mô hình được cấp chứng nhận sử dụng “nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam”. Cùng với đó, các mô hình còn được hỗ trợ mua máy in tem và nguyên vật liệu đi kèm; hỗ trợ chi phí mua mã xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Điều kiện để hỗ trợ đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp là có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap).
Đối với các mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô từ 3 ha trở lên và mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao, hoa công nghệ cao phải có hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp đất để hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trong thời gian từ 10 năm trở lên; có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, an toàn với các cơ sở, doanh nghiệp. Đối với các cửa hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn: Các sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu, cung cấp phải sản xuất ra từ cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Theo ông Cao Đức Đồng, Giám đốc VNPT Hà Nam, giải pháp sử dụng tem định danh trên từng đơn vị hàng hóa rất dễ dàng kiểm tra xác thực bằng các phương tiện phổ biến qua điện thoại thông minh, hoặc qua thiết bị quét mã. Khi sử dụng ứng dụng này các doanh nghiệp, tổ chức có thể xây dựng được hình ảnh thương hiệu đáng tin cậy, nâng cao sự cạnh tranh cho sản phẩm của mình cũng như tiết kiệm thời gian chi phí công sức trong việc xử lý những thông tin liên quan đến hàng hóa hay hàng giả hàng nhái kém chất lượng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra được toàn bộ thông tin sản phẩm, lựa chọn được các sản phẩm nông nghiệp an toàn, từ đó bảo vệ chính mình và gia đình đồng thời ngăn chặn hành vi làm ăn gian dối, góp phần xây dựng nền sản xuất tiêu dùng lành mạnh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Quang nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cùng chung tay, phối hợp trong công tác chỉ đạo, triển khai, quản lý tốt từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu dùng, đưa chương trình đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản Hà Nam.
www.truyenthongkhoahoc.vn (ttncac)