SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn về quan trắc, kiểm soát phóng xạ

[06/11/2018 08:40]

Nguồn phế liệu nhập khẩu sẽ được đánh giá phóng xạ ngay tại cửa khẩu, đồng thời, để kiểm soát, ứng phó với các nguy cơ, sự cố phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, 5 tỉnh phía Bắc đã có hệ thống quan trắc phóng xạ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đặt câu hỏi.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đặt câu hỏi, “Hàng năm Việt Nam nhập số lượng lớn chất thải, (khoảng 4 – 5 triệu tấn), trong đó có sắt thép, phế liệu nhập khẩu để tái chế mà không rõ có lẫn nguồn phóng xạ hay không. Vì số lượng các nguồn phóng xạ bị mất cắp trên thế giới chưa tìm ra được và nguồn sắt thép tháo dỡ từ các cơ sở hạt nhân hết hạn lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quản lý nguồn phóng xạ chất thải nhập khẩu”. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN đã có phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Công thương để đánh giá công nghệ của phế liệu được nhập vào. Hiện nay cảng Cát Lái Thị Vải và Cái Mép đều đã có 8 cổng đo phóng xạ. Theo tinh thần chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng, Bộ KH&CN đã thường xuyên rà soát và quản lý hết sức chặt chẽ nguồn phóng xạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay có 5400 nguồn, trong đó 2400 nguồn đã qua thời hạn sử dụng và đã được tập hợp lại để xử lý triệt để.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời.

Ngoài ra, trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Quốc Bình về khả năng quan trắc, cảnh báo phóng xạ của Việt Nam trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân ở Phòng Thành và Hải Nam, Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN đã tham mưu và Chính phủ phê duyệt mạng lưới quan trắc phóng xạ. Cho đến hiện nay, đã có 5 điểm quan trắc tại các tỉnh phía Bắc gồm Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội.Các điểm này lấy mẫu định kỳ hoặc bất cứ khi nào có sự cố và được kết nối online, gửi thông tin trực tiếp về Bộ KH&CN. Mạng lưới này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, củng cố để tăng thêm độ nhạy. Thủ tướng cũng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia, đồng thời 45 tỉnh thành cũng đã có kế hoạch của địa phương để chủ động ứng phó.

Bộ trưởng đề nghị, “để có thể thiết lập một hệ thống toàn quốc trong giai đoạn 2021 trở đi, mong Chính phủ và Quốc hội quan tâm bố trí nguồn vốn để mở rộng”.

 

Cũng trong phiên chất vấn, trước lo ngại của đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) về công nghệ lạc hậu của một số nhà máy nhiệt điện than, bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ đã tham mưu với chính phủ để ra quyết định số 78/2013/QĐ-TTg về “Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới”. Đặc biệt, để khắc phục căn bản tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu, với Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi, tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới sẽ phải được đánh giá thẩm định, đảm bảo công nghệ không bị lạc hậu.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện thành vật liệu xây dựng và đã có kết quả khả quan. Ví dụ như ở dự án DAP Đình Vũ, bãi tro xỉ đã được xử lý để trở thành phụ gia cho xi măng và trở thành nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao thay thế cho nhập khẩu nước ngoài.

www.khoahocphattrien.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ