SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lo bị tụt hậu, Đức đổ 3 tỉ euro vào dự án phát triển trí tuệ nhân tạo

[16/11/2018 08:45]

Lo lắng trước sự thành công của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực học máy cũng như sợ tụt hậu về trí tuệ nhân tạo, Đức lên kế hoạch chi 3 tỉ euro cho dự án “AI made in Germany”.

Dorothee Baer, bộ trưởng phát triển kỹ thuật số lo lắng trước sự chậm trễ của Đức trên thị trường công nghệ - Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, chính phủ Đức tỏ ra lo lắng trước sự thành công của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực học máy. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thay đổi các ngành công nghiệp truyền thống và các mô hình kinh doanh. Đồng thời, Đức cũng nhận thấy nguy cơ bị tụt hậu. Tuy nhiên, Đức sẽ áp dụng robot một cách thận trọng.

Chính phủ Đức đã lên kế hoạch mới để áp dụng trí tuệ nhân tạo ở Đức. Theo đó, đến năm 2025, chính phủ sẽ phân bổ tổng cộng 3 tỉ euro cho sự phát triển của công nghệ với dự án mang tên “AI made in Germany” sẽ được xem xét vào ngày 15 tháng 11 tới đây.

Chính phủ Đức hy vọng rằng số tiền đầu tư sẽ tăng gấp đôi nhờ sự tham gia của các doanh nhân, nhà khoa học và nhà đầu tư nước ngoài. Các tác giả của kế hoạch không che giấu thực tế rằng, nước Đức đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc với tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo.

“Đức phải đi đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo” và “AI made in Germany” phải trở thành một nhãn hiệu chất lượng được công nhận trên toàn thế giới”, - tài liệu của chính phủ Đức nhấn mạnh.

Theo Epoch Times, chính phủ Đức cũng lên kế hoạch thành lập một mạng lưới quốc gia gồm ít nhất 12 trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, cũng như tổ chức ít nhất 100 khóa đào tạo cho các chuyên gia trẻ trong các trường đại học.

Trước đó, Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, Lars Klingbeil, kêu gọi chính phủ phân bổ vài tỉ euro để áp dụng trí tuệ nhân tạo. Theo các chính trị gia, Đức quá mải mê về các vấn đề của cuộc khủng hoảng di cư, trong khi các nước khác đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần một bước đột phá thực sự. Đã đến lúc coi trọng vấn đề này''.

Trong khi đó, bà Dorothee Baer, bộ trưởng phát triển kỹ thuật số, cũng nói về sự chậm trễ của Đức trên thị trường công nghệ. Theo bà, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế đã khiến Đức ảo tưởng về sự an toàn. Tuy nhiên, về mặt phát triển kỹ thuật số, đất nước đang tụt hậu so với các nền kinh tế hàng đầu thế giới và đã đến lúc nhanh chóng loại bỏ khoảng cách này.

Ở Đức, cho đến nay vẫn chưa có một công ty khởi nghiệp lớn nào có thể cạnh tranh ngang hàng với các đại gia trong lĩnh vực này của Mỹ và Trung Quốc.

Reuters giải thích rằng, sở dĩ như vậy là vì cơ sở hạ tầng đã lỗi thời và luật bảo vệ dữ liệu nghiệt ngã của Đức. Trong bối cảnh cần hành động khẩn cấp, chính phủ Đức hứa sẽ tiến hành thận trọng khi nhấn mạnh rằng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ tính đến các khía cạnh xã hội của công nghệ và tác động của nó đối với thị trường lao động.

Vào tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố việc thành lập một cơ quan để phát triển các công nghệ đột phá - tương tự một DARPA của Mỹ. Đồng thời, các quan chức thừa nhận rằng họ đã sẵn sàng xem xét lại thái độ của họ đối với Al và an ninh CNTT.

Motthegioi (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ