SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần đầu tư công nghệ chống hàng giả

[29/11/2018 08:22]

Trong gần hai năm, Tổng cục quản lý thị trường đã xử lý trên 30.000 vụ hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), điều này cho thấy vấn nạn hàng giả ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và khó xử lý.

Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn.

Doanh nghiệp làm giả chính sản phẩm của mình

Tại Diễn đàn “Chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0” do Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức ngày 27/11 tại TPHCH, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 79.515 vụ hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có những vụ nổi cộm, gây xôn xao dư luận như vụ giả thuốc chống ung thư… 

Đặc biệt, không chỉ có những doanh nghiệp làm hàng giả, hàng xâm phạm SHTT mà còn có ngay cả những doanh nghiệp sang nước khác đặt làm sản phẩm của chính mình nhưng chất lượng không bằng sản xuất trong nước, sau đó nhập vào Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ, theo ông Ba.

Ông Thân Đức Công – Phụ trách nghiệp vụ Tổng cục quản lý thị trường - cho biết thêm, từ năm 2017 đến tháng 9/2018, đơn vị đã kiểm tra, xử lý trên 30.000 vụ, phạt hành chính trên 100 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu gần 1.000 tỷ. Các đối tượng ngày càng tinh vi, thậm chí manh động trong việc sản xuất, kinh doanh hàng giả. Những cơ sở này làm không công khai, lén lút vào ban đêm, đóng cửa ở trong nhà nên các lực lượng chức năng không dễ tiếp cận.

Ông Trần Thanh Kha – Công ty NGK Việt Nam - thì thông tin, bugi là một loại sản phẩm công nghệ cao nhưng vẫn bị làm giả tại Việt Nam với tỷ lệ khoảng 20%, chênh lệch giá bán so với hàng thật từ 20 - 70%. “Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại không nhỏ cho công ty và cả người tiêu dùng” – ông Kha nhấn mạnh.

Đầu tư công nghệ để bảo vệ thương hiệu

Theo ông Trương Văn Ba, để làm tốt công tác chống hàng giả, ngoài việc có sự chỉ đạo, kiên quyết của Chính phủ , còn phải có trách nhiệm của doanh nghiệp, lực lượng chức năng, người tiêu dùng và cơ quan truyền thông. 

Nói về trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Trần Giang Khuê - Phó trưởng đại diện Văn phòng SHTT tại TPHCM - nhấn mạnh, trong thời kỳ công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp phải chủ động, áp dụng công nghệ 4.0 để phòng và chống hàng giả. Và không chỉ các doanh nghiệp mà các cơ quan nhà nước cũng phải ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện các hoạt động này – theo ông Khuê.

Ông Thân Đức Công thì cho rằng, lực lượng chức năng phải tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông để người tiêu dùng nắm được thông tin và đồng lòng hợp sức trong các hoạt động chống hàng giả. “Doanh nghiệp cũng phải phối hợp tốt hơn với các lực lượng chức năng ở địa phương, các cơ quan truyền thông trong các hoạt động chống hàng giả” – ông Công nói.

Doanh nghiệp hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả

Doanh nghiệp hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Kha chia sẻ, Công ty NGK của ông thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn phân biệt hàng giả, hàng thật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ tùng xe máy trên khắp cả nước. Đồng thời, Công ty còn hợp tác với Công ty Vina CGH để điều tra các vụ vi phạm hàng giả. Năm 2015, Công ty điều tra được 1 vụ làm hàng giả sản phẩm của mình; năm 2017 lên đến 5 vụ; và năm 2018, Công ty đặt mục tiêu sẽ tìm được 9 vụ. Ông Kha còn cho biết, quá trình điều tra, xử lý những cơ sở làm hàng giả gặp không ít khó khăn như chính đơn vị quản lý thị trường chưa phân biệt được hàng giả hàng thật, các cơ sở vi phạm trốn mất khi biết bị phát hiện,…

Theo ông Kha, các hoạt động của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả mới chỉ là biện pháp “chữa cháy” chứ chưa “phòng cháy”. Muốn “phòng cháy” thì phải ngăn chặn nạn buôn lậu, vì có những sản phẩm, chẳng hạn như bugi, đến 90% lượng hàng giả được nhập lậu từ Trung Quốc, ông Kha cho biết.

www.khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ