SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quản trị Tài sản trí tuệ: Doanh nghiệp, viện trường còn gặp nhiều vướng mắc

[17/12/2018 08:48]

Việc phát triển các tài sản trí tuệ trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao giá trị của các doanh nghiệp, viện trường ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp, viện trường đang gặp không ít vướng mắc trong việc tạo dựng, bảo hộ và thương mại hóa loại tài sản đặc biệt này.

Vinatex là một trong những đơn vị đang cần phát triển hệ thống quản trị tài sản trí tuệ. Ảnh: Vinatex.

Tài sản trí tuệ (TSTT) – vốn được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ (ở Việt Nam bao gồm quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp...) có vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp. Theo khảo sát của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI), cứ 1 đơn vị TSTT gia tăng sẽ làm cho hiệu quả kinh doanh tăng lên gấp 10 lần. Bên cạnh việc kích thích tăng trưởng kinh tế, việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST) và tạo môi trường cạnh tranh, công ăn việc làm cho xã hội. Trong bối cảnh tự động hóa, trao đổi dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, việc phát triển các TSTT trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao giá trị của các doanh nghiệp, viện, trường ở Việt Nam.

Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, nhưng đóng góp của các ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế và thâm dụng tài sải trí tuệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Và các doanh nghiệp, viện trường đang gặp không ít khó khăn trong việc tạo dựng, bảo hộ và thương mại hóa loại tài sản đặc biệt này.

Số liệu năm 2010 chỉ ra 32 ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế đóng góp 23,79% vào GDP cả nước và tạo ra khoảng 6,4 triệu việc làm, trong đó các ngành thâm dụng TSTT chỉ đóng góp khoảng 4,42% - con số này thực sự rất khiêm tốn so với những nước phát triển ở EU có các ngành thâm dụng TSTT đóng góp 39% tổng GDP, theo báo cáo của Văn phòng Sáng chế châu Âu EPO. Thậm chí, “chúng ta cũng cần thận trọng với những kết quả của Việt Nam nói trên bởi phần lớn công nghệ đang sử dụng là của nước ngoài trong khi thực lực đóng góp của người Việt là rất ít hoặc không đóng góp” - TS Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện VIPRI, nhận xét trong hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc (HBI) tổ chức ngày 7/12.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chưa sở hữu nhiều sáng chế. Theo số liệu cơ cấu TSTT của doanh nghiệp từ 2011-2015 của VIPRI, các sáng chế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ - khoảng 1.19% trong khi kiểu dáng công nghiệp chiếm 17.61% và nhãn hiệu chiếm đến 81.2%. Đây là một điểm bất lợi bởi công nghệ là nền tảng chính của cuộc CMCN4, những sáng chế dựa trên công nghệ cần phải là nhân tố chủ đạo trong việc tạo lập giá trị nội lực của doanh nghiệp, viện, trường chứ không thể phụ thuộc quá nhiều vào các TSTT mang tính thương mại như nhãn hiệu, kiểu dáng.

Hệ số mức độ sử dụng sáng chế trung bình trong nước trong giai đoạn 2009 – 2013 chỉ ở mức 3,07. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là xương sống được ưu tiên phát triển của đất nước thì hệ số mức độ sử dụng sáng chế đang ở mức thấp hơn trung bình, tức là những ngành công nghiệp đó ít sử dụng sáng chế và dường như sự phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh bậc thấp như lao động giản đơn, vốn vay, tài nguyên…Có thể kể đến hàng loạt ngành công nghiệp như vậy: sản xuất phụ tùng ô tô, cấu kiện cơ khí, thép chế tạo, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, chế biến nông - thủy hải sản, gỗ. Việc sử dụng ít sáng chế trong những ngành công nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc chưa phát huy được các lợi thế so sánh bậc cao như công nghệ hiện đại, lao động chất lượng cao, quản trị hiệu quả…

Thêm vào đó, quản trị quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là việc tạo lập và bảo vệ các sáng tạo mà doanh nghiệp còn phải tìm ra cơ hội tốt nhất trên thị trường để khai thác các kết quả đó. Sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến lợi nhuận từ việc tăng giá trị sản phẩm, phí bản quyền, cho thuê, nhượng quyền, bán, tham gia cổ phần và những hoạt động đầu tư sinh lợi khác. Khó khăn mà các doanh nghiệp, viện, trường Việt Nam đang vấp phải không chỉ ở việc có ít các TSTT như đã phân tích, mà còn ở chỗ chưa coi trọng khai thác giá trị thương mại của TSTT đó.

Theo các ý kiến nhận xét tại Hội thảo, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa hiện chưa coi TSTT là tài sản quan trọng trong hệ thống kế toán và định giá doanh nghiệp, đồng thời cũng không đưa nó vào chiến lược kinh doanh một cách cụ thể, khiến tỷ trọng lợi nhuận từ TSTT trong tổng doanh thu không cao. Có một số doanh nghiệp, viện trường lớn đang “cho không” các đối tác và công ty thành viên sử dụng miễn phí các TSTT của họ như logo thương hiệu, tài liệu quảng cáo, thậm chí là cả kết quả nghiên cứu, do họ không có cơ chế định giá và thỏa thuận thương mại cho các tài sản vô hình này.

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) là một ví dụ điển hình phải đối mặt với những khó khăn của việc quản lý TSTT. Được cổ phần hóa từ năm 2015, hiện nay Vinatex có khoảng gần 120 công ty con, công ty liên kết và các đơn vị nghiên cứu đào tạo; chuyên về lĩnh vực dệt may-thời trang. ThS. Nguyễn Thanh Ngân, Ban Kỹ thuật Đầu tư Vinatex, cho biết một số công ty thành viên của Vinatex đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ từ rất sớm như công ty May 10 (1992), các đơn vị chủ yếu đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước và có 1 số ít đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như Phong Phú, Việt Tiến, May 10…

Tuy nhiên, về tổng thể, các đơn đăng ký vẫn chủ yếu tập trung vào logo của đơn vị và sản phẩm may mặc; trong khi chưa quan tâm nhiều đến đăng ký nhãn hiệu của sợi và vải, và cũng chưa có đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoa văn, thiết kế) hay sáng chế (chất liệu, quy trình sản xuất). Bà Ngân nhận xét, các công ty may mặc dường như “quên mất” vấn đề sở hữu trí tuệ, bản thân Vinatex cũng nhận thấy mặc dù thuộc “Top 50 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam về Tài sản vô hình và Giá trị thương hiệu” do Brand Finance thực hiện năm 2017, nhưng họ chưa định giá được giá trị thương hiệu của mình (không có số liệu) như các tập đoàn Viettel, Vinamilk hay Việt Tiến. Bên cạnh đó, Vinatex cũng chưa sử dụng các phương thức khai thác quyền SHTT như nhượng quyền, cho thuê,… khiến tập đoàn bị bỏ phí “một lượng không nhỏ doanh thu”.

Ngược lại, không ít doanh nghiệp Việt Nam tạo lập được TSTT có giá trị lớn lại phải đối mặt với xu hướng dịch chuyển tài sản – mà chủ yếu là nhãn hiệu – cho các tập đoàn nước ngoài. Điều này mặc dù đem lại lợi ích tài chính nhưng doanh nghiệp phải chịu rủi ro về việc mất thị trường, suy giảm giá trị TSTT và lệ thuộc vào bên mua. Theo thống kê, phần lớn các lĩnh vực có nhiều giao dịch chuyển nhượng đều là những ngành thiết yếu như thuốc, hóa chất, mỹ phẩm dược liệu, lương thực, thực phẩm, thiết bị điện… trong đó đối tượng bên mua thường là các tập đoàn lớn từ châu Á và châu Âu.

Song song với doanh nghiệp, viện, trường cũng là những đơn vị có tiềm năng tạo ra và sử dụng các TSTT nhưng chính các viện, trường lại bị vướng mắc ở chỗ mặc dù có kết quả nghiên cứu rất có giá trị, họ hầu như không có bộ phận chuyên trách để đăng ký bảo hộ, tư vấn hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu và quản trị các TSTT đó, dẫn đến việc chuyển giao công nghệ từ viện, trường gặp không ít khó khăn. Đại học Y dược TP.HCM là một trong những cơ sở hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật điều trị bệnh và điều chế thuốc. Theo trao đổi tại hội thảo, đại diện trường cho biết đang trong bước đầu xây dựng bộ phận chuyển giao công nghệ nhưng gặp khó khăn trong việc định hướng, xác lập những đối tượng để đăng ký bảo hộ và cân nhắc liệu có cần phải sử dụng một đơn vị tư vấn bên ngoài không bởi liên quan đến tính bảo mật của công nghệ và những đòi hỏi hiểu biết về chuyên môn y dược.

Theo số liệu cơ cấu TSTT của doanh nghiệp từ 2011-2015 của VIPRI, các sáng chế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 1.19% trong khi kiểu dáng công nghiệp chiếm 17.61% và nhãn hiệu chiếm đến 81.2%.

www.khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ