Hà Nội: Xử lý hơn 8 nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng
Trong 11 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 8.291 vụ gồm hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm đo lường chất lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ảnh: báo Lao động.
Theo thông tin từ Sở Công Thương TP.Hà Nội, trong 11 tháng năm 2018, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra 8.767 vụ, xử lý 8.291 vụ gồm hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm đo lường chất lượng... Qua đó đã xử phạt 121, 845 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 11, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 433 vụ, xử lý 360 vụ, với tổng số tiền xử lý 3,428 tỷ đồng. Trong đó phạt hành chính 1,639 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 0,82 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm 0,969 tỷ đồng.
Với những kết quả đã đạt được, từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 thành phố và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện việc tổ chức kiểm tra công tác xây dựng và triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng...
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm nhằm kiểm soát được nguồn cung và dịch bệnh có thể lây lan qua biên giới.
Trước đó, liên quan tới việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản yêu cầu Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm…
Kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: thực phẩm; bánh kẹo; mỳ chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng; các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngoài ra, tiến hành kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm: đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố. Tập trung vào các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...
Ngoài ra, tiến hành kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…