Cần đầu tư xây dựng công phu, bài bản Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia
Cần đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược này cần bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng đó.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế năm 2019, sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với với các đơn vị liên quan tổ chức phiên hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4-Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi chắt lọc những tinh hoa trí tuệ, những kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) lên nền kinh tế thế giới; tác động đến các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để thực hiện chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào quản lý và sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo về việc xây dựng nền tảng chia sẻ công nghệ; sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng cách đây 50 năm và đang được các nhà khoa học cải tiến, lập trình theo hướng mở để tăng khả năng sáng tạo, người máy đã bắt đầu được dạy khả năng tự học hỏi. Trí tuệ nhân tạo được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, trong giao thông vận tải, những chiếc xe tải không người lái đã được vận hành tại các mỏ khoáng sản tại Australia; hãng Uber cũng đã thử nghiệm xe tải không người lái giao hàng xuyên tiểu bang tại Mỹ. Trong y học, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân có thể dùng các phần mềm trên điện thoại, chụp hình và điền vào các thông tin gửi lên một hệ thống và gần như tức thì, kết quả chẩn đoán bệnh và cách điều trị được gửi về.
Trong giáo dục, các phần mềm dạy học đã trở nên phổ biến… Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để hỗ trợ cho người dân giải đáp những thắc mắc về pháp lý; được ứng dụng để quản lý các chính sách, an sinh xã hội… Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Xu thế cho thấy, nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ mới. Phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ là cơ hội cho nước ta đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới. vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia cũng đã đối thoại về những vấn đề trong quá trình triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo và sản xuất kinh doanh; giải quyết mối quan hệ giữa người lao động và người máy, robot trong việc thực hiện các quy trình sản xuất…
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, đối với thị trường trí tuệ nhân tạo nội địa, với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất, vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt, phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước ta cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần trí tuệ nhân tạo cốt lõi của quốc gia.
Trước mắt, cần đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược này cần bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng đó.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, các nội dung trao đổi tại Hội thảo chuyên đề lần này nhằm góp phần xây dựng các Nghị quyết của Bộ Chính trị; hoạch định đường lối, chính sách để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, thực hiện thành công Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về Định hướng Chính sách công nghiệp quốc gia. Hội thảo sẽ là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về định hướng, các giải pháp, ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...