SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

EdTech hợp với ai?

[28/01/2019 09:13]

Một câu hỏi ngắn, chỉ gồm bốn chữ nhưng câu trả lời chắc sẽ phải rất dài, bởi EdTech (Công nghệ Giáo dục) là một khái niệm khá rộng, và “ai” ở đây bao gồm nhiều bên khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tác giả chỉ xin góp một ý kiến nhỏ, từ kinh nghiệm của người vừa từng là người học, vừa từng là người dạy có sử dụng EdTech.

Học về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học với kỹ thuật toàn ảnh (hologram). Ảnh: techtrends.tech.

Nếu tôi nói rằng EdTech không phải là một khái niệm mới mà thực tế đã tồn tại 70-80 năm nay, hẳn bạn sẽ bất ngờ? Bất ngờ nhưng đó là sự thật. Những mô hình EdTech đầu tiên thực tế đã ra đời những năm 1920, khi người Mỹ cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và học thông qua việc dạy qua radio. Mô hình EdTech kiểu radio này phát triển mạnh những năm 1960, 1970 tại nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí đã có những đại học ra đời từ các đài phát thanh và vẫn tồn tại đến ngày nay như Đại học Mở Trung Quốc (tiền thân là Đại học phát thanh và phát hình Trung ương Trung Quốc), WRUC (Mỹ)... Ta tạm gọi Edtech qua radio là EdTech 1.0.

EdTech 1.0 được cải tiến cùng với sự phát triển của truyền hình (TV). Học qua radio chuyển thành học qua TV, ta tạm gọi là EdTech 2.0. Rất nhiều người Việt ngày hôm nay chắc chưa quên chương trình dạy tiếng Anh trên VTV2 trong những năm 1990 với giảng viên là một thầy giáo rất đáng kính: thầy Nguyễn Quốc Hùng M.A.

EdTech 3.0 phát triển song hành cùng với ra đời của Internet. Đường truyền nhanh giúp người dạy – người học có thể tương tác với nhau tại chỗ thông qua những hệ thống chat thông thường. Người viết vẫn nhớ về bài trả lời phỏng vấn vào năm 2012 của Khan, nhà sáng lập Khan Academy nổi tiếng, chuyên về đào tạo online, đẵ bắt đầu dự án của mình nhờ cảm hứng của việc dạy kèm cô em họ (sống ở bang khác) thông qua hệ thống chat của Yahoo Messenger từ những năm 2008-2009. Ngày nay, đã có rất nhiều giải pháp EdTech 3.0 ra đời dành riêng cho đào tạo từ xa (distance learning). Bản thân người viết cũng đang dùng phần mềm Zoom để dạy cho các học viên từ xa của mình trong chương trình đào tạo có tên gọi Research Coach in Social Sciences. Theo quan điểm cá nhân, mức độ “chân thực” (mức độ tương tác thầy – trò) của cách học này có thể lên tới 80-85% so với học truyền thống.

EdTech 4.0 ra đời khoảng năm 2012 cùng với Hệ thống các khóa học mở đại trà (MOOCs) do một loạt các đại học hàng đầu trên thế giới khởi xướng. Sau khoảng 6-7 năm phát triển, có thể nói MOOCs đã chứng minh được sự ưu việt của mô hình đào tạo online chất lượng ở đẳng cấp quốc tế mà hầu như ai cũng thể chi trả được (nhiều khóa thậm chí còn miễn phí). Theo quan sát của tôi, ngày MOOCs “lấn sân” hơn vào giảng đường truyền thống, việc thay thế các lớp học truyền thống chắc không còn quá xa.

Bên cạnh bốn phiên bản phát triển như đã trình bày kể trên, EdTech ngày nay còn tồn tại ở nhiều dạng khác, ví dụ như blended learning (kết hợp giữa EdTech 4.0 với học truyền thống); hoặc phần Tech (công nghệ) được sử dụng trong hoạt động làm bài tập, làm project hoặc kiểm tra đánh giá. Và nếu nhìn Giáo dục (phần Ed) rộng ra, không chỉ nằm trong phần dạy và học thì thực tế phần Tech cũng đã hiện diện ở rất nhiều khâu khác trong quản trị một nhà trường, ví dụ như tuyển sinh, giáo vụ, thư viện…

Nói đến đối tượng của EdTech thì chắc chắn phải nói đến hai nhân vật quan trọng nhất là người thầy và học trò. Bên cạnh đó là các đối tượng liên quan khác, bao gồm phụ huynh, tuyển sinh, đào tạo, quản lý sinh viên, thư viện, lãnh đạo...

Xin bắt đầu với người trò trước tiên. Quan sát của tôi là có những kiểu người học kiểu gì cũng giỏi, dù là học kiểu thông qua các dự án hay kiểu làm bài thi, họ cũng sẽ đạt điểm cao nhất. Với đối tượng này, có Edtech thì họ thích, nhưng không làm họ giỏi hơn; đơn giản là bởi khả năng tự học của họ quá tốt.

Ngược lại, có những người không hợp với cách học truyền thống mà cứ phải học độc lập, tương tác với máy thông qua các phần mềm giả lập, hệ thống online. Với những đối tượng này, việc được học thông qua các hệ thống Edtech, online là cách giúp họ phát huy được tối đa khả năng.

Cũng có một số đối tượng khác cũng rất hợp với Edtech đơn giản chỉ bởi, nếu không có Edtech thì họ không biết học bằng cách nào. Đó là những người đi làm, không có điều kiện đến các lớp học tập trung, việc học online, hoặc từ xa là giải pháp duy nhất giúp họ có thể tiếp cận việc học. Ngày nay, việc học từ xa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, với sự tiện dụng của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đường truyền internet tốc độ cao 4G, 5G. Cách đây khoảng 10 năm, tôi có đọc một bài báo viết về viễn cảnh những người lao công, phục vụ, có thể có cơ hội lấy bằng đại học thông qua hệ thống online, họ có thể tranh thủ học trong lúc trên di chuyển trên tàu điện hay vào giờ nghỉ giữa hai ca. Câu chuyện khi đó hoàn toàn chỉ là tưởng tượng, nhưng thực tế ngày nay đã trở nên hoàn toàn khả thi.

Từ góc độ người dạy, với những giảng viên – nghiên cứu viên mà hoạt động chính của họ là nghiên cứu thì việc sử dụng EdTech không quá quan trọng. Mặc dù vậy, với giảng viên mà nhiệm vụ dạy là chủ yếu, hoặc với giáo viên phổ thông nói chung, thì rõ ràng EdTech là phương tiện giúp họ nâng cao năng suất lao động, thiết kế bài giảng theo cách sáng tạo hơn.

Với cán bộ quản lý, những lợi ích mà EdTech mang lại cũng tương tự như lợi ích đối với giảng viên. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng lợi nhờ việc EdTech giúp kiểm soát, quản lý người học tốt hơn. Bởi mọi hoạt động, hành vi học tập của người học đều dễ dàng được lưu lại trên hệ thống. Việc đánh giá, phân tích, kiểm soát lộ trình học tập của học sinh cũng tiện lợi hơn bao giờ hết.

www.khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ