Vì sao nhiều doanh nghiệp ngại tố cáo hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ?
Năm 2018, riêng trong lĩnh vực đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm SHTT, lực lượng chức năng đã xử lý 1.693 vụ, phạt hành chính16 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Xử lý 1.693 vụ vi phạm, phạt hành chính 16 tỷ đồng
Theo thông tin từ BCĐ 389 quốc gia, thời gian qua, lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập về kinh tế và sự bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật, các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp.
Hàng giả không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó thẩm lậu bằng nhiều đường khác nhau chủ yếu qua đường tiểu ngạch, đưa vào trong nước rồi vận chuyển, tập kết về Hà Nội tiêu thụ và chuyển đi các tỉnh.
Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng trong và ngoài nước, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một số đối tượng kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả mạo xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam, trong đó có thị trường Hà Nội để tiêu thụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, HĐND - UBND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo 389/TP.Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, BCĐ 389 quận, huyện, thị xã chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường; làm tốt công tác dự báo, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra các hành vi vi phạm xuất xứ, giả mạo hàng Việt Nam, hàng hoá quá hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng, các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác.
Phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu đối với nguồn phát sinh hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ; xây dựng phương án đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý tại một số địa bàn trọng điểm, các kho tàng, bến bãi có nguy cơ xảy ra vi phạm về hàng giả, vi phạm SHTT như chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), ga Hà Nội (quận Đống Đa), sân bay quốc tế Nội Bài (huyện Sóc Sơn) và một số làng nghề sản xuất giày dép tại Phú Xuyên, Thường Tín,...
Hiện nay, về cơ bản Hà Nội không còn các tụ điểm hay tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ trên các tuyến phố văn minh thương mại.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố cũng đẩy mạnh công tác điều tra, đấu tranh chống hàng giả, vi phạm SHTT; khám phá nhiều vụ việc lớn, khởi tố kịp thời, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Trong năm 2018, riêng trong lĩnh vực đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm SHTT, lực lượng chức năng đã xử lý 1.693 vụ, phạt hành chính 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 17 tỷ đồng. Khởi tố 10 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với 11 đối tượng.
Nhiều khó khăn
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm song tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: Thông tin và dự báo chuyên sâu về các vấn đề hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn yếu và thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin; cập nhật thông tin về việc đã xác lập quyền về hàng xâm hại, hàng giả mạo xuất xứ,…
Hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng sản xuất hàng giả xuất xứ (sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Việt Nam nhưng gắn nhãn mác xuất xứ nước ngoài như Made in USA, Made in Canada, Made in Newzeland..., khi xác minh thì không có chủ sở hữu, không có sản phẩm đó tại nước ngoài), sản xuất hàng hóa có chất lượng dưới 70% so với chỉ tiêu công bố nhưng quy định xử lý hình sự về hành vi này chưa rõ ràng.
Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa đủ quan tâm đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều doanh nghiệp còn ngại cung cấp cách phân biệt hàng thật, hàng giả cho cơ quan chức năng do lo sợ bị các đối tượng làm giả biết và sản xuất một cách tinh vi hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm khi người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Người tiêu dùng (đặc biệt là ở vùng xâu, vùng xa, nông thôn) chưa có nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả. Hơn nữa, việc phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm giả ngày càng tinh vi, giống hàng thật đến từng chi tiết, một số người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ, phù hợp về tài chính nên vẫn chấp nhận tiêu dùng.
Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng trong và ngoài nước, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.
Thời gian tới, BCĐ 389 TP.Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán và tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong cộng đồng thương nhân và người tiêu dùng; góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác, kiến thức hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cho lực lượng làm công tác chuyên trách để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ…