Bốn hợp chất phân lập từ thân cây bìm bịp Clinacanthus nutans (Burm. F.) Lindau, Acanthaceae
Bìm bịp từ lâu đã được xem là vị thuốc cổ truyền ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Y học dân gian của các nước đã ghi nhận, bìm bịp có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, trị côn trùng cắn, sốt, ban da, lỵ, đái tháo đường.
Ảnh minh họa
Nguyễn Thị Trang Đài, Phan Ngọc Vân Anh (ĐH Y Dược Cần Thơ) và Huỳnh Ngọc Thụy (ĐH Y Dược TP. HCM) đã thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu phân lập một số hợp chất từ dịch chiết thân bìm bịp và xác định cấu trúc các hợp chất này.
Đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: Chiết ngấm kiệt bột thân với cồn 96%. Bằng kỹ thuật chiết phân bố lỏng – lỏng với dung môi có độ phân cực tăng dần, thu được các phân đoạn cao chiết dichloromethan và ethyl acetat. Ứng dụng kỹ thuật sắc ký cột để phân lập các hợp chất. Cấu trúc hóa học của các hợp chất này được xác định bằng kỹ thuật phổ MS, NMR.
Kết quả: 10 kg bột thân bìm bịp khô thu được 56,68 g cao dichloromethan và 15,18 cao ethyl acetat. Từ cao dichloromethan đã phân lập được 4 hợp chất CN6-2 (stigmasterol), CN25-2 (isoliquiritigenin), CB25-3 (α, 4, 2’, 4’-tetrahydroxydihydrochalcon), CN25-4 (glycerin 1-monotricosanoat).
Kết luận: Kết quả này có thể tạo cơ sở cho việc nghiên cứu tác dụng sinh học của thân bìm bịp và sử dụng các chất này phục vụ cho công tác kiểm nghiệm, tiêu chuẩn hóa chất chất lượng các sản phẩm và nguyên liệu chứa dịch chiết thân bìm bịp.
Tạp chí Y Dược học Cần Thơ (11-12/2018) (ntbtra)