Hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả
Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM sẽ phối hợp triển khai các hoạt động nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... trên địa bàn TP.HCM.
Lễ cắt băng khai trương văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM
Sáng 15.2, Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động.
Đẩy mạnh hỗ trợ về sở hữu trí tuệ tại khu vực phía Nam
Văn phòng đại diện sẽ là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp, định giá tài sản trí tuệ, tổ chức đào tạo về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và các dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố và khu vực phía Nam.
Phát biểu tại lễ khai trương, GS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia nhận định, TP.HCM là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ lớn của cả nước. Trong đó, tiềm lực trí tuệ, tài sản trí tuệ của người dân TP.HCM rất quan trọng.
"Sự ra đời của Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM sẽ góp phần vào dòng chảy trí tuệ của thành phố từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp", GS Hoàng Văn Phong cho hay.
Trước mắt, Viện KHSHTT sẽ đặt một trạm dữ liệu tại văn phòng đại diện để các nhà khoa học, doanh nghiệp khai thác thử nghiệm và ghi nhận ý kiến phản hồi.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Viện KHSHTT sẽ tiếp tục hoàn thiện dữ liệu này. Sau khi được hoàn thiện, cơ sở dữ liệu về SHTT này sẽ được cung cấp miễn phí trên mạng.
“Đồng thời, Viện KHSHTT cũng tiếp nhận những yêu cầu dịch vụ của khách hàng, hướng tới tạo ra sàn giao dịch cho các doanh nghiệp, nhà khoa học bán, mua các đối tượng SHTT, các dịch vụ SHTT”, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT nói.
Đại diện Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết việc phát triển lĩnh vực SHTT tại TP.HCM là vấn đề mà Bộ KH&CN hết sức quan tâm.
"Việc phát triển Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM cũng như đại diện cục SHTT tại thành phố khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Bộ KH&CN để phát triển khoa học SHTT, sở hữu công nghiệp tại thành phố", Trần Văn Tùng chia sẻ.
Ông Tạ Quang Minh giới thiệu văn phòng đại diện Viện KHSHTT với Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, chúng ta đã có nền tảng quan trọng là hệ thống cơ sở dữ liệu được liên kết không chỉ trong nước, mà có sự phối hợp với các bạn nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta vận hành, triển khai, thực hiện các hoạt động.
"Tôi tin tưởng với những nền tảng như vậy trong thời gian tới, hoạt động của văn phòng sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, giúp các doanh nghiệp, các thành phần trong xã hội, các đối tác trong và ngoài nước cùng nhau phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần phát triển kinh tế TP.HCM, khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung", ông Trần Văn Tùng khẳng định.
Khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ
Cũng tại lễ khai trương, Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM đã trao đổi thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ, nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như hoạt động quản lý nhà nước.
Đồng thời, Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM cũng hợp tác với một số cơ quan khác như Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức... để triển khai thỏa thuận hợp tác về SHTT.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT trao đổi thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới
Chia sẻ về mục tiêu hoạt động của văn phòng, ông Tạ Quang Minh khẳng định: “Chúng ta đã có hệ thống luật, văn bản, hướng dẫn xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ nhưng việc sử dụng sau khi được bảo hộ còn rất yếu. Nguyên nhân là do nhận thức về lĩnh vực này còn thiếu, có người có nhận thức lại không có kiến thức để làm."
"Bởi vậy, ngoài hỗ trợ xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, chúng tôi tập trung hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ. Theo tôi, đăng ký bảo hộ đã quan trọng nhưng việc quản trị, phát triển sử dụng sau đăng ký còn quan trọng hơn nhiều.”, ông Tạ Quang Minh cho biết.