Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bà Rịa –Vũng Tàu” cho sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng
Ngày 31/01/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 471/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00070 cho sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng “Bà Rịa - Vũng Tàu”. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Cây nhãn xuồng Cơm Vàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ở Việt Nam, nhãn được trồng từ khá lâu đời. Miền Bắc nổi tiếng với nhãn lồng Hưng Yên, miền Nam nổi tiếng với nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu được xem là đặc sản của vùng “gió cát”. Nhãn xuồng cơm vàng được trồng từ năm 1962 do ông Phan Văn Tư thường gọi là ông Tư Chệt ở Phường 11, thành phố Vũng Tàu trồng. Giống nhãn này rất nổi tiếng trong vùng nên được nhiều người biết đến và nhân rộng ra ở địa phương. Danh tiếng của cây nhãn xuồng cơm vàng của ông Tư Chệt ngày càng được khẳng định khi năm 1997, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của ông Tư Chệt tham dự cuộc thi quả ngon do Trung tâm Cây ăn quả Long Định tổ chức đã vượt qua các giống nhãn khác và đạt giải nhất hội thi. Cây nhãn này ngay sau đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép đưa vào sản xuất.
Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu được trồng ở xã Tóc Tiên, xã Châu Pha thuộc huyện Tân Thành; xã Phước Long Thọ, xã Phước Hội, xã Long Mỹ, xã Lộc An thuộc huyện Đất Đỏ; xã Phước Thuận, xã Hòa Hiệp, xã Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc; phường 11, phường 12 thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là khu vực có địa hình là các dãy đồng bằng nhỏ hẹp, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ dốc từ 0o - 3o. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khu vực trồng nhãn xuồng cơm vàng có mùa khô kéo dài từ 5 đến 6 tháng, độ ẩm không khí thấp trong thời gian thu hoạch, độ ẩm trung bình năm từ 78% đến 82%, nhiệt độ trung bình năm 27oC, lượng mưa trung bình năm từ 1.157mm đến 1.421mm. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm hơn 2.000 giờ. Đất trồng nhãn xuồng cơm vàng chủ yếu là đất cát, cát chiếm đến 83%. Độ dày tầng canh tác sâu, đất có độ chua nhẹ, hàm lượng pH trung bình là 5,07. Hàm lượng độc tố Al3+ và Na+ rất thấp, hàm lượng Ca2+và Mg2+ cao, tỷ lệ Ca/Mg cao lớn hơn 5. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu được tưới nguồn nước có giá trị pH trung tính, EC thấp, hàm lượng cac-bon hữu cơ cao. Hàm lượng Ca2+ và Mg2+cao.
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên nên nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu rất đặc thù và khác biệt hẳn so với nhãn xuồng cơm vàng của khu vực khác. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu có dạng hình chiếc xuồng, hai bên vai nhô lên, cao hơn cuống. Màu quả vàng da bò, nhẵn. Quả có trọng lượng từ 16g đến 25g, đường kính quả từ 2,8cm đến 3,4cm. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu có mùi thơm nhẹ, vị ngọt, không chua và không chát. Cùi quả màu vàng tươi ở giữa cuống, lan dần xuống màu trắng ngà, cùi quả dai, giòn và ráo, độ dày cùi từ 5,5mm đến 6,2mm. Tỷ lệ phần ăn được của nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu cao, từ 60% đến 70%.
Quả nhãn xuồng cơm vàng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhãn xuồng cơm vàng ở Bà Rịa Vũng Tàu có những ưu thế vượt trội về chất lượng, điều đó được thể hiện qua các chỉ tiêu như độ Brix từ 21% đến 24%, đường tổng số từ 14,85% đến 16,21 %, đường khử từ 7,96% đến 8,56 %, hàm lượng chất khô từ 17,50% đến 18,90%. Đặc biệt là hàm lượng Vitamin C của nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu cao hơn hẳn nhãn xuồng cơm vàng được trồng ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long, đạt giá trị từ 523,40mg/kg đến 559,80mg/kg. Mặc dù, độ Brix của nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa Vũng Tàu thấp hơn so với các tỉnh trên nhưng lại được người tiêu dùng đánh giá là nhãn ở đây có độ ngọt “thanh” chứ không ngọt “gắt”, phù hợp với sở thích của đông đảo người tiêu dùng.
Chất lượng đặc thù của nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu có được là nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình canh tác của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên chất lượng và danh tiếng của nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu. Đặc biệt là trong quá trình chăm sóc, người dân đã tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây mà bón phân cho phù hợp, giúp cho cây phát triển và tạo ra sản phẩm có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp. Đây là kỹ thuật canh tác tạo ra đặc thù cho nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vũng Tàu và làm cho sản phẩm ngày càng có vị thế trên thị trường.