Phát triển trí tuệ nhân tạo: Cần khơi thông điểm nghẽn, tận dụng triệt để thuận lợi hiện có
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, để phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam một cách mạnh mẽ, cần khơi thông các điểm nghẽn. Đồng thời, tận dụng triệt để những thuận lợi hiện có.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thể để phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh: PVN
Những điểm nghẽn cần khai thông
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đối với những cơ sở mang tính nền tảng cho phát triển trí tuệ nhân tạo, Việt Nam có lợi thế nhất định so với nhiều quốc gia trên thế giới.
“Lực lượng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phần nào có lợi thế, vì nó chiếm tỷ trọng rất lớn trong các khoa Công nghệ thông tin (cái gốc từ môn Toán học) của các trường đại học trên khắp cả nước. Người Việt Nam vốn rất mạnh về Toán, nên việc đào tạo trí tuệ nhân tạo ở các khoa Công nghệ thông tin của Việt Nam lớn hơn nhiều so với ở các lĩnh vực khác”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hiện nay lực lượng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có phần chưa thống nhất, tập trung.
“Ở mỗi nhóm đều có những kết quả nghiên cứu lặp lại, 10 nhóm khác nhau cùng nghiên cứu về bài toán nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ. Đó là do chúng ta chưa tạo được liên kết tổng lực. Chưa kể đến, để phát triển AI rất cần liên kết với các nhà khoa học ở các ngành khác, đặc biệt là Toán học”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu vấn đề.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, một trong những điểm nghẽn lớn nhất để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn nằm ở sự chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, tất cả từ cơ quan quản lý Nhà nước cho đến các doanh nghiệp và người dân hiện đều chưa có nhiều nhận thức về dữ liệu. Trong khi đó, với tri thức, chúng ta càng chia sẻ nhiều thì khối càng lớn lên chứ không hề giảm hay mất đi.
“Dữ liệu, tri thức phải được cộng lại với nhau thì tạo được một hệ thống lớn để phát triển ra sản phẩm, phát triển ra những doanh nghiệp cạnh tranh được trên thế giới cũng như phục vụ tốt nhất cho người dân Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho hay.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh: “Kết nối - thứ có trong thời chiến hiện nay chúng ta rất thiếu. Đặc trưng là kết nối để tạo dữ liệu lớn. Nối dữ liệu, tri thức của con người Việt Nam với nhau nhằm tạo các sản phẩm AI mà Việt Nam có lợi thế.
Hiện nay chúng ta triển khai dự án theo phương thức kiềng 3 chân: cơ quan quản lý nhà nước tạo ra dự án để cả doanh nghiệp, viện, trường nghiên cứu cùng bắt tay vào làm. Mục đích là tạo ra các ứng dụng giải quyết các bài toán thực tế của Việt Nam”.
Thời điểm tốt cho Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) vừa ban hành Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025 với hai mục tiêu cơ bản.
Cụ thể, Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025 đầu tiên sẽ hướng tới việc tạo ra một số sản phẩm của riêng Việt Nam, dựa trên các lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước, đồng thời đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Thứ hai, xây dựng năng lực nội tại cho lĩnh vực này, gồm xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.
Lý giải về việc chọn thời điểm này để phát triển trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, AI đã phát triển từ lâu đời và là dòng chảy tiếp diễn của các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như toán học, công nghệ thông tin (máy học hay thuật toán xử lý dữ liệu). Gần đây, AI có bước phát triển đột phá trên thế giới bởi sự phát triển của các công nghệ thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn.
Tại Việt Nam, AI được nghiên cứu và phát triển lâu đời trong các trường học và viện nghiên cứu nhằm giải các bài toán đặc thù Việt Nam như nhận dạng chữ viết, văn bản, tiếng nói tiếng Việt, hiểu và phân tích văn bản tiếng Việt.
“Việt Nam có nền tảng khá tốt về toán nên khi chuyển sang công nghệ thông tin, chúng ta có thế mạnh về thuật toán và trí tuệ nhân tạo so với các mảng khác. Bối cảnh thế giới và trong nước đang tạo ra thời điểm tốt cho Việt Nam đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.
Bối cảnh thế giới và trong nước đang tạo ra thời điểm tốt cho Việt Nam đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, thời gian qua, Bộ đã làm việc với nhiều nhóm chuyên gia chủ chốt về AI ở Việt Nam cũng như các chuyên gia người Việt ở nước ngoài để xác định các hành động cụ thể. Đến nay, đã liên kết được lực lượng nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng giải quyết một số vấn đề lớn; Hình thành được mạng lưới 100 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng dữ liệu lớn, dùng chung trong các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng, như Đề án hệ tri thức Việt số hóa…
Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các nghiên cứu cơ bản và đào tạo chính thống. Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong AI sẽ được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia ưu tiên. Bộ đang đề nghị Viện toán cao cấp xác định một vài bài toán cơ bản trong lĩnh vực AI để tập hợp các nhà toán học Việt Nam trong và ngoài nước cùng giải quyết.
Tiếp theo, sẽ nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng để tạo ra một số sản phẩm cụ thể. Đây là những đề tài trong chương trình trọng điểm KC 4.0. Dự kiến một số viện, trường trọng điểm sẽ được đầu tư hệ thống máy móc dùng chung. Đồng thời, Bộ sẽ triển khai các hoạt động đào tạo phi hàn lâm, thúc đẩy các khóa đào tạo ngắn hạn, khóa đào tạo tư nhân… Hiện tại, Bộ KH&CN đang tiếp tục làm việc với các nhóm chuyên gia chủ chốt về AI để cùng nhau xác định và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên.
“Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp triển khai và lồng ghép các chương trình. Mong muốn của Bộ KH&CN là có những bước đi thực tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để kế hoạch có tính khả thi, đạt được hiệu quả đề ra”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.