Hội thảo “Đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế”
Sáng ngày 15/3/2019, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Mạng lưới Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á về thương mại và công nghiệp Nhật Bản (SEAIPJ) tổ chức Hội thảo “Đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế”.
Các chuyên gia Nhật Bản chụp hình lưu niệm với Lãnh đạo và cán bộ VIPRI.
Tham dự Hội thảo, về phía Nhật Bản có đại diện của JETRO (Ông Norihisa Kato, Ông Kenichi Kobiki, Ông Takaharu Tateishi), đại diện của SEAIPJ (Ông Shigehiro Kondo - Công ty Yamaha Motor, Ông Atsushi Iwakiri - Tập đoàn Panasonic, Ông Mamoru Usuda - Công ty YKK); về phía Việt Nam có Ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) cùng ban lãnh đạo và các cán bộ, và đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, viện nghiên cứu, tổ chức đại điện sở hữu công nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Cẩn và Ông Norihisa Kato đều khẳng định rằng trong bối cảnh tình trạng xâm phạm sáng chế diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, việc phân tích, xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế, trong đó có xác định phạm vi bảo hộ sáng chế, đánh giá khả năng trùng/tương đương của sáng chế phải dựa trên những cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý và cách hiểu, vận dụng thống nhất. Do đó, Hội thảo sẽ là cơ hội để các bên thảo luận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về phương pháp xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế.
Tại Hội thảo, các đại diện của SEAIPJ và VIPRI đã có bài trình bày về pháp luật, nguyên tắc và thực tiễn xác định xâm phạm quyền đối với sáng chế, trong đó mỗi bên đã minh họa các vụ việc điển hình nhằm giới thiệu về phương pháp, cách thức đánh giá cụ thể để xác định sản phẩm bị nghi ngờ có xâm phạm quyền đối với sáng chế được bảo hộ hay không.
Sau phần tham luận, các đại biểu đã tham gia sôi nổi trong phiên thảo luận kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Nhiều câu hỏi và bình luận được đặt ra cho cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó, các đại biểu không chỉ quan tâm đến cách thức xác định yếu tố xâm phạm quyền mà còn quan tâm đến kinh nghiệm xử lý xâm phạm quyền trong các trường hợp cụ thể. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đã cung cấp thêm nhiều trường hợp đặc biệt trong thực tế đánh giá yếu tố xâm phạm quyền hiện nay.
Kết thúc Hội thảo, đại diện của các bên đều đã khẳng định vai trò quan trọng của việc xác định yếu tố/hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế trong hệ thống thực thi quyền và cho rằng buổi Hội thảo đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho các bên liên quan. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.