Tài sản trí tuệ gia tăng giá trị sản phẩm địa phương
Việc quan tâm đầu tư đến tài sản trí tuệ đã giúp nhiều địa phương xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2019 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHC&N) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 10/4 tại Quảng Ninh, Thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế - xã hội Việt Nam, bởi nó đem lại nhiều giá trị gia tăng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian quan, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, từng bước sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước CPTPP và thiết lập được một số mạng lưới quan trọng của hệ sinh thái liên quan đến các tài sản trí tuệ như Hệ thống quản trị đơn SHCN điện tử (WIPO IPAS); Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IP-Hub) và Mạng lưới Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC).
Nhiều địa phương đã xác định tài sản trí tuệ là công cụ quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ. Hiện hơn 40 tỉnh thành đang triển khai các Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ dưới nhiều hình thức và đã đạt được một số thành quả nhất định. Trong giai đoạn 2008-2018, Hà Nội và Hồ Chí Minh đi đầu về số lượng sáng chế (101 và 53 bằng), chiếm hơn 60% số lượng cả nước. Các địa phương như Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… với nhiều đặcthù về khí hậu, đất đai… đang đi đầu trong việc sở hữu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của chương trình mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP của Quảng Ninh trong khu vực Triển lãm sản phẩm của các địa phương tại Hội nghị. Quảng Ninh là một điển hình cho việc coi trọng phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý …
Quảng Ninh, đơn vị được chọn để tổ chức hội thảo toàn quốc năm nay là một điển hình cho việc coi trọng phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý … Riêng trong năm 2018, Quảng Ninh có tổng số 332 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong đó có 108 văn bằng được cấp (gồm 2 sáng chế, 3 giải pháp hữu ích, 13 kiểu dáng công nghiệp và 90 nhãn hiệu), chủ yếu liên quan đến hai thế mạnh đang được tập trung phát triển của tỉnh là nông sản và du lịch. Điều này góp phần không nhỏ trong việc khai thác giá trị, đặc biệt với sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Năm 2019, tỉnh dự chi hơn 1 nghìn tỷ cho phát triển KH&CN, đặc biệt có dự án riêng về xây dựng nhãn hiệu với kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng. “Chúng tôi thấy rằng hàng hóa không có thương hiệu sẽ rất khó thương mại”, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết. Việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho một số sản vật địa phương đã góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp (giá trị tăng từ 20% đến 50%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều địa phương cho biết họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Trước hết, đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay, cả nước chỉ có 02 Sở KH&CN có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về sở hữu công nghiệp (Phòng Sở hữu trí tuệ) là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chủ yếu được ghép chung với các lĩnh vực khác như an toàn bức xạ, thông tin... hoặc tại phòng Quản lý chuyên ngành. Tổng số cán bộ chuyên trách trên cả nước chỉ có 67 người (tương đương khoảng 1 người/tỉnh thành) trong khi cán bộ kiêm nhiệm nhiều hơn một chút (95 người) nhưng đang có xu hướng giảm do hoạt động bố trí sắp xếp lại vị trí, tinh giảm biên chế đối với một số cán bộ hợp đồng hoặc trên thực tế làm việc ưu tiên các công việc hành chính khác hơn so với hoạt động SHCN.
Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó giám đốc Trung tâm thông tin của Cục sở hữu trí tuệ, cho biết Cục đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên môn cho cán bộ các sở KH&CN nhưng “mỗi lần lại gặp những gương mặt mới”. Nhân lực phụ trách về sở hữu trí tuệ ở địa phương có xu hướng không ổn định, trong khi đây lại là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi theo sát chuyên sâu, lâu dài. Do vậy bài toán nhân lực vẫn là khó khăn của nhiều nơi.
Bên cạnh đó, các đại biểu sở KH&CN cũng trao đổi về vướng mắc trong việc định giá tài sản trí tuệ khi mà cả nước có hơn 200 tổ chức định giá tài sản nhưng chủ yếu về tài sản hữu hình, hầu như không có kinh nghiệm đối với tài sản vô hình. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế vẫn được coi là phức tạp và mất nhiều thời gian. Một số địa phương cho biết họ cũng gặp các khó khăn liên quan đến việc duy trì, quản lý các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã có.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, cho biết Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho địa phương để hõ trợ các tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.