Internet vạn vật (IoT): Công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0
'Công nghệ IoT là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, hứa hẹn đem lại rất nhiều ứng dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.', ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định.
Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: Đan Xen
Đại diện cơ quan bảo trợ cho cộng đồng IoT, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: Công nghệ IoT là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, hứa hẹn đem lại rất nhiều ứng dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngay sau chỉ thị 16 của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ của cuộc CMCN 4.0, tất cả các cơ quan bộ ngành, địa phương đều đã có những bước đi cụ thể để hướng tới việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ. Từ đó, rất nhiều công việc đã được triển khai nhằm nầng cao nhận thức của xã hội, các cấp bộ ngành, DN đối với những thách thức và thời cơ mà cách mạng công nghiệp mang lại. Tính tới thời điểm này, có thể khẳng định nhận thức toàn xã hội về IoT đã tăng lên rất nhiều. Do đó, các bộ ngành, địa phương, DN đã có những kế hoạch rất cụ thể, hiệu quả nhằm thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hiện nay, IoT tác động lớn đến đời sống con người và nhiều lĩnh vực trong tương lai. Đó là xu thế tất yếu cho sự phát triển của thế giới cũng như sự phát triển của DN. Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 đang hứa hẹn mang lại cho cộng đồng DN những cơ hội mới. Hiện, CMCN 4.0 đã có tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất - tự động hóa, nông nghiệp, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế... Từ đó giúp các DN tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất là việc từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Phòng cũng nhìn nhận, việc đưa ra giải pháp và hành động cụ thể để có thể ứng dụng IoT vào thực tiễn hoạt động ở mỗi DN vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau và chính mỗi DN.
Toàn cảnh diễn ra Tọa đàm về Internet vạn vật (IoT). Ảnh: Đan Xen.
Đánh giá về việc hỗ trợ DN, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội nhấn mạnh: Trong thời gian qua TP. Hà Nội đã triển khai rất nhiều các chính sách, chương trình để hỗ trợ DN. Đặc biệt là các chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV. Đồng thời mở ra nhiều môi trường, sân chơi cho cộng đồng DN IoT giao lưu, kết nối và hợp tác. Cùng với đó hỗ trợ DN trong việc kết nối với ngân hàng, các công tác tài chính kế toán, thúc đẩy nhanh thủ tục đăng ký kinh doanh cũng như hỗ trợ mặt bằng cho DN. Đáng chú ý, trong thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng các đề án hỗ trợ DNNVV đặc biệt là các DN trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, ông Quân cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của công nghệ trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống xã hội. Hiện DN đang dần tiếp cận và có nhiều áp dụng rất mạnh mẽ IoT vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, DN mà đặc biệt là những DNNVV cần lưu ý và chủ động hơn đối với việc tiếp cận cũng như kết nối thông tin. Còn Nhà nước nên tiếp thu những ý kiến và nội dung mà DN đưa ra để có những chính sách để thúc đẩy DN phát triển, thúc đẩy công nghệ.
Đại diện phía DN, ông Đào Việt Hải, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology (Advantech VietNam) cho hay, hiện nay, IoT đã được DN sử dụng rất nhiều, tuy nhiên các DN vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc về chi phí đầu tư để xây dựng IoT cho nhà máy cũng như hiệu quả mang lại của nó. Trong khi đó, ứng dụng IoT vẫn còn rất mới mẻ, đặc biệt tại thị trường Việt Nam chưa được áp dụng nhiều. Nên DN Việt hiện mới chỉ đầu tư ở mức độ nhỏ gọn để vừa làm vừa tham khảo và ghi nhận lại những hiệu quả đạt được. Vì vậy, đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc ứng dụng IoT trong DN, nhà máy chưa được khẩn trương. Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn có rất nhiều rào cản về pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ tin học cũng như các vấn đề về truyền dẫn. Ngoài ra, bảo mật cũng là một vấn đề cần quan tâm trong cuộc CMCN 4.0 lần này. Cụ thể, các cơ sở dữ liệu sẽ được bảo mật ra sao và các máy móc kết nối thế nào để tránh được các rủi ro liên quan.
Do đó, để DN có thể tự tin và mạnh dạn tiếp cận, triển khai, phát triển IoT cần rất nhiều các điều kiện như: sự nỗ lực từ chính mỗi DN; nâng năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ để xây dựng một cơ chế để hỗ trợ đồng hành cùng DN, không để DN phải tự đi một mình khi bắt đầu triển khai một công nghệ mới. Đồng thời đưa ra các lộ trình hướng dẫn về những vấn đề pháp lý cũng như hỗ trợ các DN nước ngoài khi đem công nghệ vào ứng dụng tại Việt Nam.