Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4: Sở hữu trí tuệ và Thể thao
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới, ngày 20/4 tại TPHCM, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN, Thành đoàn TPHCM tổ chức sự kiện Cộng đồng chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4 tại Việt Nam với chủ đề Sở hữu trí tuệ và Thể thao.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc sự kiện.
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, lãnh đạo Sở KH&CN, Thành đoàn TPHCM cùng hơn 500 người đến từ doanh nghiệp, cộng đồng SHTT, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nghệ sĩ và đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM.
"Cao hơn, nhanh hơn, xa hơn và thông minh hơn" để chiến thắng
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm nay là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và Thể thao” để đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong lĩnh vực thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng những luật bảo vệ SHTT vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, khẩu hiệu của ngày SHTT năm nay do Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) lựa chọn - “Vươn tới giải vàng: SHTT và thể thao" rất hợp với Việt Nam bởi những thành tựu về thể thao của nước ta trong giai đoạn gần đây đặc biệt ấn tượng.
Bên cạnh đó, khẩu hiệu năm nay của WIPO khơi gợi sự nỗ lực từ cá nhân một trong cuộc đấu, công việc, cuộc sống với tinh thần Olympic “cao hơn, nhanh hơn và xa hơn”. “Tuy nhiên, theo tôi, cần phải bổ sung thêm ý nữa là 'thông minh hơn'. Nếu chúng ta dám nỗ lực đến năng lượng cuối cùng để đạt được 'cao hơn, nhanh hơn, xa hơn và thông minh hơn', thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ, các bạn thanh niên còn rất trẻ, thời gian còn nhiều, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, trong cuộc sống, công việc, quá trình sáng tạo. Bởi vậy, “Các bạn hãy nỗ lực đến tận cùng, dám chấp nhận những thất bại trong quá khứ, có như vậy mới dành được vinh quang trong sự nghiệp của mình” – Thứ trưởng nói và cho biết Bộ KH&CN đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để tạo ra các cơ chế mạnh mẽ nhất, phù hợp nhất, khuyến khích bảo hộ thỏa đáng và đầy đủ SHTT, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, SHTT và thể thao có mối liên hệ với nhau và chia sẻ cùng nhau các giá trị chung như sự sáng tạo, luôn vươn tới đỉnh cao, sự nỗ lực hết mình, sự tôn trọng và tinh thần fair-play. Mối quan hệ kinh doanh được tạo dựng từ quyền SHTT giúp bảo đảm giá trị kinh tế của thể thao. Điều này, cũng sẽ kích thích sự phát triển của thể thao thông qua việc cho phép các tổ chức tài trợ sự kiện thể thao và cung cấp phương tiện nhằm phát triển thể thao cộng đồng.
Truyền lửa lan tỏa tinh thần và sự ảnh hưởng của SHTT.
Theo ông Phí, những sáng chế, cải tiến dụng cụ và trang thiết bị thể thao đã giúp người sử dụng thoải mái trong quá trình tập luyện, giúp các vận động viên cải thiện hiệu suất, thi đấu tốt hơn và đạt thành tích cao hơn. Ví dụ như máy tập chạy, máy đạp xe,… hoặc như những giải pháp hữu ích bảo vệ đầu gối, cổ chân, cổ tay, giúp hạn chế chấn thương khi chơi, tập luyện thể thao.
Hiện nay, tại Việt Nam có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao như: Doanh nghiệp tư nhân giày Á Châu, Công ty Cổ phần Động Lực, Công ty Cổ phần dụng cụ thể thao DELTA, Công ty Cổ phần thể thao ngôi sao Geru, Công ty TNHH MTV Cuộc sống thịnh vượng Việt Nam…. Tuy nhiên, những sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn còn khá khiêm tốn. Đây chính là mảnh đất tốt cho các doanh nghiệp khai thác đầu tư, phát triển và thương mại các sản phẩm thể dục thể thao. “Để tăng nhanh lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực thể thao, cần một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thể dục thể thao đối với các sản phẩm cần phải bảo hộ về sở hữu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thực thi chống xâm phạm về SHTT” – ông Phí nhấn mạnh.
Đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia hưởng ứng Ngày SHTT thế giới.
Ngày 26/4/1970, Công ước WIPO chính thức có hiệu lực. Năm 2000, ngày 26/4 được các nước chọn trở thành “Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới” (IP Day). Kể từ đó, “IP Day” là ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của SHTT đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.
Trong bốn năm qua (2015 - 2018), sự kiện Ngày SHTT Thế giới tại Việt Nam (World IP Day In Vietnam) đã được tổ chức một cách sáng tạo, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực SHTT.