Giữ chất lượng, màu sắc nông sản bằng công nghệ sấy vi sóng
Nhóm nhà khoa học của Công ty Cổ phần Giải pháp Nông nghiệp 5D và Trường Đại học Quốc tế TPHCM đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị sấy nông sản, thực phẩm bằng công nghệ vi sóng. Công nghệ này không chỉ giúp sấy nhanh, tiết kiệm chi phí mà còn giữ được chất lượng, màu sắc ban đầu của sản phẩm.
TS. Nguyễn Đình Uyên giới thiệu về công nghệ sấy vi sóng.
Tại Hội thảo "Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ: Hướng ứng dụng công nghệ sấy vi sóng trong bảo quản, chế biến nông sản và thực phẩm”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức ngày 19/4 tại TPHCM, TS. Nguyễn Đình Uyên - Công ty Cổ phần Giải pháp Nông nghiệp 5D, cho biết, hiện nay người dân làm khô nông sản, thực phẩm bằng các thiết bị sấy truyền thống như sấy đối lưu, tiếp xúc truyền nhiệt, bức xạ,… Các phương pháp này thường mất nhiều thời gian, diện tích để làm khô nông sản, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu tốn năng lượng,… Trong khi đó, công nghệ vi sóng trong sấy nông sản không chỉ tiết kiệm năng lượng, thời gian sấy nhanh, tốn ít diện tích mà còn có thể giữ lại được hầu hết chất dinh dưỡng, màu sắc ban đầu của sản phẩm.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng sóng siêu cao tần (vi sóng) để diệt khuẩn trong thực phẩm, sấy trái cây, gỗ, diệt mọt trong gạo,… Các thiết bị dùng vi sóng cho ngành chế biến thực phẩm cũng đã được bán ở Việt Nam nhưng chưa được công ty nào trong nước nghiên cứu và chế tạo. “Mong muốn người dân được tiếp cận với những công nghệ mới, sử dụng thiết bị với giá thành thấp, chúng tôi đã kết hợp với các nhà khoa học Trường Đại học Quốc tế nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị và làm chủ được công nghệ sấy nông sản bằng vi sóng” – TS. Uyên chia sẻ.
Thiết bị bao gồm các hệ thống tạo vi sóng, dẫn năng lượng vi sóng, băng tải, buồng sấy và hệ thống ra vào đảm bảo an toàn sóng điện từ. Công nghệ vi sóng làm các phân tử nước rung, dao động một cách nhanh chóng và bay hơi.
Hệ thống này đã được áp dụng thử nghiệm tại Công ty Song Yến thuộc Hoang Nam Group để tiệt trùng nước yến đóng chai. Sau khi kết nối với dây chuyền chiết rót - đóng chai của Công ty Song Yến, năng suất của băng tải là 200 chai mỗi 8 phút, với chi phí tiệt trùng là 16 đồng/chai, so với giá thành tiệt trùng sử dụng lò hơi cung cấp hơi nước bão hoà mà công ty đang ứng dụng hiện nay là 190 đồng/chai. Sản phẩm sau khi tiệt trùng đạt được các chỉ tiêu chất lượng và khử trùng hoàn toàn vi khuẩn E. Coli và vi khuẩn Salmonella trong vòng 5 phút, so với công nghệ hiện tại, muốn diệt tất cả các vi khuẩn và mầm bệnh, công ty phải mất khoảng 60 phút. Công nghệ vi sóng có thể giúp Song Yến tiết kiệm gần 400 triệu đồng/tháng cho 2 triệu chai yến.
Thử nghiệm sấy bã mía và hạt ca cao.
Thiết bị cũng được thử nghiệm tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Hợp Phát trong sấy giá thể để trồng nấm. Trước khi cấy meo vào giá thể, Công ty Hợp Phát phải hấp thanh trùng mỗi mẻ giá thể trong khoảng 12 giờ kể từ khi lò hơi sôi bằng phương pháp đun củi. Sử dụng lò hơi, giá thành tiệt trùng là 320 đồng/bịch giá thể, mỗi mẻ hấp được 6.500 bịch. Trong khi đó, nếu dùng công nghệ vi sóng, cũng trong 12 giờ, Hiệp Phát hấp được 8.000 – 10.000 bịch với giá thành chỉ 100 đồng/bịch. Nhờ đó, Hiệp Phát có thể tiết kiệm được gần 45 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm công nghệ này để sấy dẻo chuối (8 phút); mít, xoài, ca cao (18 phút); bã mía (giảm được 40% lượng nước trong 5 phút); khử trứng mọt và con mọt trong sấy gạo,… Không chỉ sấy nhanh giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí nhân công, thiết bị còn tự động nên dễ sử dụng, vận hành và có thể lắp đặt linh hoạt cố định hoặc trên container, bệ di động có thể di chuyển được.
Theo ThS. Trần Văn Sư – Trường Đại học Quốc tế TPHCM, thành viên nhóm nghiên cứu, do làm chủ được công nghệ nên nhóm có thể nghiên cứu thiết bị theo nhu cầu của người sử dụng tùy vào từng loại nông sản, thực phẩm khác nhau cho phù hợp. Nhóm cũng đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Máy và Thiết bị Công nghiệp Quốc tế (IMAE) để chế tạo thiết bị phục vụ doanh nghiệp, người dân có nhu cầu.
Ông Đào Quốc Hưng – Tổng Giám đốc IMAE - cho biết, việc hợp tác với các nhà khoa học để sản xuất thiết bị sấy dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học nói trên sẽ giúp người dân được sử dụng thiết bị có giá thành giảm 50% so với thiết bị ngoại nhập có cùng công suất và chất lượng tương đương. “Giá thành này còn giảm hơn nữa nếu được sản xuất hàng loạt theo mô đun” – ông Hưng khẳng định và cho biết, hiện nay đã có một số đơn vị đặt hàng để sản xuất thiết bị sấy bã mía xuất khẩu đi Nhật Bản, sấy ca cao và sấy dẻo một số loại trái cây.