SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của hóa chất và các phương pháp tác động đến hiệu quả sinh sản của vọp Geloina sp. có nguồn gốc từ U Minh Thượng, Kiên Giang

[03/05/2019 14:31]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Thị Thu Thảo, Danh Nhiệt, Trần Ngọc Hải, Nguyễn Xuân Niệm thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Vọp là loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ, phân bố rộng, có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên có giá trị kinh tế cao. Vọp phân bố tại rừng ngập mặn có tên khoa học là Geloina coaxans, tên gọi tiếng Anh là “mud clam”, tên gọi tiếng Việt là nghêu bùn hay nghêu rừng đước.

Nghề nuôi vọp đang phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau và phần lớn nguồn con giống được thu gom ngoài tự nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu con giống cho nghề nuôi. Hơn thế nữa, do công tác quản lý nguồn lợi ở các địa phương chưa được chặt chẽ, người dân khai thác nguồn lợi này quá mức làm cho sản lượng khai thác giảm và nguồn giống ngày càng khan hiếm và mất cân bằng sinh học tự nhiên.

Ảnh minh họa: sưu tầm

(Nguồn: internet)

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về các phương pháp kích thích sinh sản trên một số loài động vật thân mềm khác như bào ngư vành tai, sò huyết, ngao, nhưng nghiên cứu về kích thích sinh sản và sản xuất giống vọp vẫn còn ít.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra phương pháp kích thích sinh sản một cách hiệu quả và có khả năng áp dụng vào thực tế. Vọp Geloina sp. thành thục được thu ở vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang để nghiên cứu các phương pháp tác động khác nhau đến hiệu quả sinh sản trong trại sản xuất giống. Nghiên cứu được thực hiện với 3 thí nghiệm: 1) Sử dụng các loại hóa chất; 2) Sử dụng phương pháp thay đổi nhiệt độ; 3) Sử dụng hóa chất và kết hợp với thay đổi nhiệt độ. Các chỉ tiêu như: số cá thể tham gia sinh sản, tỷ lệ sinh sản, tỷ lệ sống, thời gian hiệu ứng và số lượng trứng thu được có sự khác biệt giữa các phương pháp tác động (p<0,05).

Kết quả cho thấy phương pháp hạ nhiệt kết hợp với tạo dòng chảy là phương pháp tác động có hiệu quả nhất đến sinh sản của vọp với tỷ lệ cá thể cái tham gia sinh sản đạt trên 50%, đồng thời vọp cái sinh ra trung bình 1.203.000 ± 199.983 trứng/cá thể và thời gian hiệu ứng sinh sản ngắn hơn so với các phương pháp khác.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 3/2018 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ