SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống lên sinh trưởng của tôm sú (Penaeus monodon) ương theo công nghệ Biofloc

[03/05/2019 14:47]

Nghiên cứu do hai tác giả Huỳnh Thanh Tới và Nguyễn Thị Hồng Vân thuộc Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Tôm sú (Penaeus monodon) là đối tượng nuôi quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tôm sú được xác định là đối tượng quan trọng trong cơ cấu các đối tượng nuôi thủy sản ở vùng nước lợ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 diện tích nuôi tôm cả nước là 625.200 nghìn ha, đạt tổng sản lượng 195.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm sú 580.200 nghìn ha, đạt sản lượng 115.000 tấn.

Ảnh minh họa: sưu tầm

(Nguồn: internet)

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều cửa sông thông ra biển nên nước mặn xâm nhập sâu vào trong nội địa tạo được vùng nước lợ nhẹ theo mùa rộng lớn. Theo nhiều nghiên cứu, độ mặn thích hợp cho nuôi tôm sú từ 15-25‰. Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, một số nơi người dân đã tiến hành nuôi tôm sú trong những vùng nhiễm mặn theo mùa với mô hình phổ biến là luân canh tôm sú (mùa khô) và lúa (mùa mưa) đạt được hiệu quả khá cao.

Ngược lại, một số nơi khác người nuôi tôm sú phải gặp trở ngại do sự gia tăng cao độ mặn trong suốt mùa khô. Độ mặn có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm nói chung, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết tôm thuộc họ Penaeid đều là loài rộng muối, tôm có thể phát triển trong khoảng độ mặn rộng. Trong cùng một loài, khả năng chịu đựng độ mặn của tôm cũng khác nhau theo khu vực địa lí. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu dẫn đến nắng nóng và mưa to kéo dài gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm, mưa to kéo dài có thể làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi. Đặc biệt trong giai đoạn thả giống, sự thay đổi độ mặn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm sú.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú giai đoạn giống. Thí nghiệm được thực hiện với 7 nghiệm thức: 5 nghiệm thức cho thí nghiệm sốc độ mặn, tôm từ độ mặn 20‰ thả ương trực tiếp ở độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, 20‰ (đối chứng), 30‰ và 2 nghiệm thức cho nghiệm thức tôm được thuần hóa, tôm ở 20‰ được tiến hành thuần nhanh trong 3 giờ và thuần chậm trong 3 ngày xuống 5‰ và thả vào ương ở độ mặn 5‰, mật độ ương là 2 con/L.

Kết quả sau 20 ngày ương cho thấy các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho phát triển của tôm. Sự thay đổi độ mặn đột ngột trong quá trình thả giống không ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của tôm, nhưng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm. Tỷ lệ sống đạt cao nhất (98,3%) khi thả nuôi không bị sốc độ mặn ở lô đối chứng (20‰) và thấp nhất là 67,0% ở lô sốc độ mặn 20‰ xuống 10‰ và 60,7% khi thả nuôi từ độ mặn 20‰ xuống 5‰. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của tôm sú bị ảnh hưởng khá lớn khi tôm bị sốc độ mặn ở ngưỡng cao (giảm độ mặn xuống đột ngột từ 10 đến 15‰), nhưng khi tăng độ mặn từ 20 - 30‰ thì không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm sú. Tôm giống được thuần nhanh và thuần chậm không ảnh hưởng đến tăng tưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 2/2018 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ