Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Kinh tế số hội tụ hàng loạt công nghệ mới
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. Ảnh: Trí thức trẻ.
Hiểu thế nào cho đúng về kinh tế số?
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, cần hiểu cặn kẽ về khái niệm kinh tế số để tránh nhầm lẫn. Theo Thứ trưởng, “kinh tế số” là một phần của nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua, các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Còn ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động.
Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng...
Qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, AirBnb...
Tựu chung lại, hiện có nhiều định nghĩa khác nhau về nền kinh tế số, tuy nhiên nhìn chung xu hướng này được hiểu là “mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu được xây dựng và diễn ra trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, như internet, mạng di động và mạng cảm biến”.
Tiềm năng lớn khi thúc đẩy phát triển kinh tế số
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...
Thứ trưởng Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Thứ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.
Về phía Chính phủ, xuất phát từ thực tiễn cũng đang chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.
"Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Thách thức, giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Theo các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn, khó có thể phủ nhận rằng nền kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế.
Nền kinh tế số góp phần tạo ra tăng trưởng cao, đổi mới nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi vào các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa, nền kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.
Tuy nhiên, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các quốc gia khác nhau...
Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, theo TS Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam, có bốn việc cần thực hiện. Một là thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần; Hai là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ba là đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cuối cùng là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.
Bên cạnh đó, bà Natasha Beschorner, Chuyên gia cao cấp về Chính sách CNTT, Ngân hàng thế giới chia sẻ, khu vực Đông Nam Á vẫn đang đi sau về thương mại điện tử. Để phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung, cần chú trọng đến các vấn đề về tính kết nối (từ đô thị, thành phố cho đến các vùng sâu, vùng xa...), thanh toán số, kỹ năng số, logistics, kỹ thuật số... Đặc biệt, cần thu hút nhân tài để không bị "chảy máu chất xám".
Bà Natasha Beschorner đánh giá Việt Nam ngày càng trở nên thân thiện hơn về logistics. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, điều quan trọng nhất thời điểm này chính là việc phải hoàn thiện khung khổ pháp lý chính quy để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, đặc biệt với một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay.