Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp mọt và sâu đục thân/cành trên cây xoài và sầu riêng tại Vĩnh Long
Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp mọt và sâu đục thân thân/cành trên cây xoài và sầu riêng được thực hiện từ tháng 7/2016 - 4/2017 tại các xã Quới Thiện và Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Nguồn: Internet
Xoài (Mangifera Indica L.) và sầu riêng (Durio zibethinus Murr.) là hai loại cây ăn trái có giá trị cao, được ưa chuộng trên thị trường và được trồng rất phổ biến ở các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong sản xuất hiện nay, việc đảm bảo năng suất và phẩm chất xoài và sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn do nhiều loại sâu gây hại. Trong đó, mọt và sâu đục thân, cành gây hại làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng quả, gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho người trồng xoài và sầu riêng. Loài sâu này đục trên thân chính hoặc cành lớn làm chết nhánh hoặc suy yếu cả cây. Theo Bành Ngọc Nghĩa (2012) và Lương Thị Duyên (2015) trên cây sầu riêng có hai loài mọt đục cành Xyleborus fornicatus và mọt đục thân Xyleborus similis xuất hiện phổ biến gây hại nghiêm trọng. Loài mọt Xyleborus fornicatus chủ yếu gây hại trên các cành cây sau khi thu hoạch làm cành bị suy yếu và những cành bị cắt ngang. Loài mọt Xyleborus similis lại gây hại chủ yếu trên thân và gốc cây. Sâu đục thân cũng được thống kê gây hại quan trọng ở Myanmar (Waterhouse, 1993). Theo Huỳnh Thanh Lộc (2015), trên cây xoài ghi nhận được 5 loài sâu đục thân, cành gồm Plocaederus ruficornis, Rhytidodera simulans, Batocera rufomaculata, Stromatium longicorne và 1 loài bọ vòi voi đục cành Sybulus sp. Trong đó, loài Plocaederus ruficornis và loài Sybulus sp. có mức độ phổ biến cao. Để đáp ứng xu hướng chung trong phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị kinh tế cao của nước ta trong tình hình hiện nay thì việc sản xuất xoài và sầu riêng đạt chất lượng cao là là một hướng đi tất yếu. Vì vậy, để sản xuất được sản phẩm xoài và sầu riêng đạt tiêu chuẩn “sạch”, cần phải áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sâu hại trên vườn xoài và sầu riêng để cho hiệu quả kinh tế và môi trường tốt nhất. Vì thế, nhóm tác giả của Viện Cây ăn quả miền Nam gồm Lương Thị Duyên, Võ Minh Mẫn, Đặng Thị Kim Uyên, Nguyễn Văn Hòa đã thực hiện nghiên cứu “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp mọt (Xyleborus fornicatus, Xyleborus similis) và sâu đục thân/cành (Plocaederus ruficornis, Sybulus sp.) trên cây xoài và sầu riêng tại Vĩnh Long”.
Nghiên cứu thực hiện trên vườn cây sầu riêng Ri6 9 năm tuổi và cây xoài 12 năm tuổi, thẻ, dây, túi nilong, bẫy đèn, các loại nông dược, bình phun thuốc,... cho nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp mọt và sâu đục thân thân/cành trên cây xoài và sầu riêng. Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp mọt và sâu đục thân thân/cành trên cây xoài và sầu riêng tại Vĩnh Long được thực hiện từ tháng 7/2016 - 4/2017 tại ấp Rạch Vọp, xã Quới Thiện và ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Sau 6 tháng thực hiện mô hình, đã ghi nhận tỉ lệ mọt gây hại trên thân cây sầu riêng ở lô đối chứng tăng cao tới 32%, trong khi đó tỷ lệ này ở lô mô hình chỉ là 4%. Trên cây xoài, sâu đục thân/cành (Plocaederus ruficornis, Sybulus sp.) gây hại trên thân với tỉ lệ 4% ở lô mô hình và khác biệt rất có ý nghĩa so với tỷ lệ tỉ lệ 16% ở lô đối chứng dẫn đến năng suất trên lô mô hình cao hơn lô đối chứng. Do đó, mô hình phòng trừ sâu và mọt đục thân/cành trên cây xoài và sầu riêng có hiệu quả cao so với đối chứng và giúp tăng tỉ suất lợi nhuận là 0,75 - 0,95% cho nhà vườn.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam số 01/2018