SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lồng ghép chặt hơn sở hữu trí tuệ trong hệ thống ĐMST quốc gia

[13/05/2019 09:55]

Sở hữu trí tuệ không phải là công cụ duy nhất, nhưng là một trong những công cụ hữu ích trong quá trình đổi mới sáng tạo và tạo ra những giá trị kinh tế xã hội cao nếu được tận dụng hết tiềm năng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại buổi tọa đàm về Sở hữu trí tuệ ngày 9/5.

Đổi mới sáng tạo, tri thức, công nghệ đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng và hứa hẹn sẽ biến đổi gốc rễ của tất cả các nền kinh tế- xã hội. Trong quá trình đó, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) với cơ chế bảo hộ độc quyền cho các thành quả sáng tạo và chống cạnh tranh không lành mạnh chính là một công cụ để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và phổ biến các sản phẩm được tạo thành từ quá trình trên. Nói như lời Francis Gurry, Tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO thì “Cuối cùng thì sở hữu trí tuệ tồn tại là để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo”.

Ở Việt Nam, mặc dù hệ thống sở hữu trí tuệ đã được hình thành từ gần 40 năm nay, với số lượng tài sản trí tuệ (Intellectual Property - IP) được tạo ra và không ngừng gia tăng, nhưng số lượng tài sản có giá trị cao và sức cạnh tranh quốc tế thực sự không nhiều. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nổi bật là vì hệ thống Sở hữu trí tuệ của chúng ta chưa được gắn kết chặt chẽ trong các chính sách hay trong từng hoạt động của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Để khắc phục hạn chế nêu trên và đặc biệt từ yêu cầu phát triển KT-XH trong thời gian sắp tới, khi mà bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế đang lan rộng tạo thành một làn sóng nhanh chóng phân biệt rất rõ những kẻ sẽ dần đầu và những người bị tụt hậu, thì việc xây dựng một Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ là một điều cần gấp. Muốn làm được như vậy, phải có sự tham gia, chung tay của các chủ thể trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đó là lý do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tọa đàm "Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội" ngày 9/5 với sự tham gia của những chuyên gia tư vấn từ WIPO và sự có mặt góp ý thảo luận của đại diện nhiều bộ ban ngành liên quan. Cuộc tọa đàm tổ chức trong bối cảnh Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam đang được xây dựng và sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2019.

Không chỉ là công việc của nhà làm luật hay của Cục Sở hữu trí tuệ

Trong buổi thảo luận ngày 9/5, ông Scot Morris, Trưởng phòng hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội Quyền Biểu diễn Úc (APRA) đồng thời là chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO, cho rằng Hàn Quốc là một ví dụ mà Việt Nam rất nên xem xét khi xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, đặc biệt trong hợp phần về các ngành công nghiệp bản quyền/văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, thiết kế, phần mềm… Chỉ sau vài chục năm, Hàn Quốc đã từ con số 0 đi lên trở thành một nước có giá trị sở hữu trí tuệ lớn. Số liệu WIPO cho thấy ngành công nghiệp bản quyền Hàn Quốc đóng góp gần 10% GDP, cao gần gấp đôi mức trung bình thế giới, và giải quyết khoảng 6% việc làm trong nước.

Ông Morris nhấn mạnh, “Một trong cách thức quan trọng để Chiến lược có hiệu quả là nó xây dựng được một hệ thống tưởng thưởng tốt cho các thành phần tham gia như chủ sở hữu quyền hoặc doanh nghiệp, khiến các khoản đầu tư có cơ hội quay vòng trở lại những ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài sản trí tuệ.”

Giai đoạn hiện nay, Việt Nam muốn đặt KH&CN vào vị trí nổi bật, đẩy chúng thành động lực chính để thực hiện các mục tiêu chính sách quốc gia trong 15-20 năm tới, đặc biệt muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong mọi ngành và tiến tới làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, môi trường để tạo lập, khai thác và chuyển giao các kết quả KH&CN – mà trong đó sở hữu trí tuệ là công cụ giao dịch – lại chưa hoạt động hiệu quả.

Vậy làm thế nào để gắn kết và hưởng lợi từ Sở hữu trí tuệ?

 

“Để quản lý được cả một hệ thống sở hữu trí tuệ thì đó không phải chỉ là việc của luật hay của Cục Sở hữu trí tuệ. Nó phải là một hệ thống rộng lớn bao trùm rất nhiều thành phần trong đó hãy tập trung vào khu vực tư nhân,” ông Andrew Michael Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của WIPO, nhấn mạnh. “Thực ra, tài sản trí tuệ sinh ra không phải để phục vụ nhà nước mà là doanh nghiệp”.

Ông phân tích một danh sách 8 điều cần hoàn thiện để có được hệ thống sở hữu trí tuệ thực sự hiệu quả và đóng góp mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội một quốc gia, bao gồm hệ thống pháp luật, điều ước quốc tế, chính sách chiến lược, quy trình thủ tục, khả năng tiếp cận thông tin, thẩm quyền, chương trình và diễn đàn về SHTT cũng như các mối quan hệ hợp tác khu vực về nó.

Vai trò của những tổ chức trung gian

Ông Andrew Ong cũng cho rằng trong tầm nhìn Việt Nam 2035, Việt Nam đã có một số đề cập ủng hộ SHTT, trong đó nêu nhiều đến việc nâng cao năng lực doanh nghiệp tiếp thu công nghệ, tạo môi trường cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ông gợi ý thêm rằng Việt Nam cần lưu ý hơn vào việc xây dựng đội ngũ trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.

Theo kinh nghiệm ở Mỹ, phần lớn các trường đại học có những phòng SHTT để đưa nghiên cứu thành tài sản vô hình, tìm kiếm khách hàng và theo dõi tình hình tư liệu sáng chế. Đặc biệt các sinh viên và giảng viên nên có kỹ năng tìm kiếm thông tin về tài sản trí tuệ. Điều tương tự cũng áp dụng với doanh nghiệp. Mục đích là biến tri thức thành giá trị thông qua các công cụ SHTT.

Nhờ có các công cụ SHTT và những tổ chức trung gian mà hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ vững chắc hơn, từ đó tạo dựng được nhiều tài sản trí tuệ có giá trị cao hơn, từ đó thị trường SHTT trở nên sôi động, thiết lập được các kết nối và mối quan hệ hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của những ngành nghề kinh tế-xã hội liên quan.

“Chúng ta chưa tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ với tư cách là một cấu phần quan trọng trong hệ thống ĐMST quốc gia”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét. Ví dụ đơn giả là ngay cả startup – thành phần được coi là năng động và tiếp cận tri thức cạnh tranh cao – cũng không có nhiều người nhìn thấy ngay từ đầu là cần phải nắm bắt và khai thác các tài sản trí tuệ của mình. “Đó là điều chúng ta cần phải thay đổi”.

“Điểm cốt yếu cho Việt Nam là xây dựng được một văn hóa về IP sao cho mọi người đều nhận thức về IP, đều có kỹ năng về IP và đều có kinh nghiệm về IP”, ông Andrew Ong chia sẻ. Để làm được, hệ thống sở hữu trí tuệ phải được quản lý đồng bộ và có sự tham gia phối hợp giữa rất nhiều bộ ngành, khối học thuật, cá nhân, doanh nghiệp, viện trường…

Dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã bước đầu xây dựng được Chiến lược quốc gia về SHTT, trong đó bao gồm 5 quan điểm chỉ đạo, 8 mục tiêu chiến lược, 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp và vai trò của các tổ chức thực hiện. Chiến lược này được xây dựng dựa trên phương pháp luận của WIPO và tham khảo kinh nghiệm của 1 số nước xung quanh. Quá trình xây dựng chiến lược đã được lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức liên quan thông qua văn bản và tọa đàm.

Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thừa nhận rằng quá trình nghiên cứu để xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia đã gặp phải một số khó khăn do Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, chiến lược KH&CN … giai đoạn 2021-2030 chưa được ban hành, thông tin dữ liệu tổng hợp về SHTT chưa đầy đủ về số lượng và độ tin cậy, cũng như đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một chiến lược về SHTT nên Chiến lược này sẽ vẫn cần rất nhiều tham vấn để có thể hoàn thiện. Dự kiến ngày 10/5, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tổ chức các buổi tọa đàm với doanh nghiệp và các viện trường để có thêm góc nhìn xác đáng.

www.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ