Làm công nghệ sáng tạo không nên lo sợ thất bại
“Đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn”, bà Alix Zwane, CEO Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu chia sẻ.
Bà Alix Zwane - CEO Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Việt Nam khó thu hút nguồn vốn đúng thời điểm
Bà Alix Zwane - CEO Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu nhận định, Việt Nam khó thu hút nguồn vốn đúng thời điểm. Qua đó đưa ra một số giải pháp đáp ứng nhu cầu này thông qua chuyển đổi công nghệ cho toàn hệ thống, đảm bảo phát triển bền vững.
CEO Qũy Đổi mới sáng tạo lấy ví dụ về việc đầu tư mạnh vào y tế mà họ đang áp dụng, nhằm kết nối các bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân… “80.000 cơ sở dược phẩm và hàng nghìn khách hàng được kết nối tạo ra nền tảng cho phép các đơn vị dễ dàng tiếp cận và cải thiện dịch vụ. Mô hình này có thể hỗ trợ chính phủ Việt Nam, tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam", bà Alix Zwane cho biết.
Làm công nghệ sáng tạo không nên lo sợ thất bại
Bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Quỹ Rockefeller: "Sau 4 năm quay trở lại Hà Nội, tôi đã được chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam". Đồng thời, bà cũng chỉ ra ba vấn đề để làm công nghệ sáng tạo đó chính là làm thế nào để hợp tác, sử dụng dữ liệu lớn thúc đẩy khoa học công nghệ và làm thế nào tận dụng tốt hơn vai trò của chúng?
Hiện tại, Quỹ Rockefeller đang sử dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo nhằm tìm ra những đối tượng có nhu cầu về năng lượng, hạ tầng và cung cấp dịch vụ y tế công cho họ. Đối với quá trình này, hệ thống dữ liệu rất quan trọng.
Bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Quỹ Rockefeller.
Theo bà Deepali, Việt Nam có cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước. "Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ sự thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn", bà nói
Theo đó, Việt Nam cần tạo ra những trung tâm xuất sắc, tạo ra cơ chế một cửa giúp mọi người có thể tiếp cận các tri thức đó. Những trung tâm có thể giúp các nhà sáng tạo có được sự hỗ trợ từ chính phủ, các Bộ ngành cần có hệ sinh thái kết nối chặt chẽ hơn nữa. "Tôi tin Việt Nam có thể xây dựng được mô hình này và chúng tôi mong muốn được là một phần của hành trình đó", đại diện Quỹ Rockefeller nói.
Bài học đổi mới sáng tạo nhìn từ nước Anh
Chia sẻ về bài học đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh, ông Ben Kumpf - Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Bộ Phát triển quốc tế, UK AID cho biết đơn vị đã hợp tác với nhiều bên để phát triển hệ sinh thái vững mạnh cho đổi mới sáng tạo.
Ông đề xuất, trước hết, cần thúc đẩy sự thay đổi và có tầm nhìn dài hạn. Nhà đổi mới luôn có ý tưởng sáng tạo nên họ cần có khả năng tiếp cận nguồn lực để biến tầm nhìn thành hiện thực. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thông lệ tốt nhất phù hợp với từng địa phương. Nước Anh cũng đưa ra các dự án thí điểm tại các địa phương và đánh giá hiệu quả của việc đổi mới. Nếu kết quả tốt, các cơ quan sẵn sàng mở rộng còn nếu không phù hợp thì thay đổi.
Ông Ben Kumpf - Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Bộ Phát triển quốc tế, UK AID.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực người dân. Trong bối cảnh mọi thứ diễn ra nhanh chóng, người dân có thể tiếp cận tri thức nhanh chóng và nhiều đổi mới sáng tạo do người dân sáng lập. Năng lực sử dụng có vai trò quan trọng, tiền đề để phát triển năng lực của người dân. Hiện tại, Anh cũng tạo ra mã nguồn mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin và đưa ra những ý kiến mới.
Thứ 3, các quốc gia cần phát triển quy đinh để đổi mới sáng tạo. Nhiều công ty fintech của Anh đưa ra mô hình mới nhưng lại không nằm trong quy định hiện tại.
"Nếu không có quy định phù hợp với những ý tưởng mới, chúng ta không thể thể tăng cường đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của Chính phủ khu vực tư nhân", ông Ben Kumpf đề xuất.