Ảnh hưởng của tro bay nhiệt điện Duyên Hải đến cường độ chịu nén và khả năng chống thấm của bê tông
Khả năng chống thấm của bê tông là một trong những chỉ tiêu vật lý quan trọng. Khả năng chống thấm của bê tông phụ thuộc vào các lỗ rỗng bên trong bê tông được quyết định bởi nguồn cốt liệu, thành phần cấp phối, môi trường dưỡng hộ,... Các loại vật liệu khác nhau được nghiên cứu để thay thế xi măng nhằm tăng cường các đặc tính cơ lý của bê tông, trong đó tro bay được nghiên cứu rộng rãi trong nước cũng như ở các nước trên thế giới.
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học thuộc ĐH Bách Khoa Đà Nẵng nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của tro bay Duyên Hải (Trà Vinh) đến khả năng chống thấm của bê tông với các tỉ lệ tro bay thay thế xi măng khác nhau đến 40%. Các thông số kĩ thuật được xem xét bao gồm độ lưu động của bê tông ướt thông qua độ sụt, cường độ chịu nén và cấp chống thấm của bê tông.
Tro bay loại F nhà máy nhiệt điện Duyên Hải được dùng để thay thế xi măng với các tỉ lệ khối lượng là 0%, 10%, 20% và 40%, tỉ lệ nước/chất kết dính là không đổi 0,3 và phụ gia giảm nước được sử dụng ở tỉ lệ 0,8% khối lượng chất kết dính. Cường độ chịu nén và cấp chống thấm của bê tông được xác định tại các thời điểm 28, 56 và 90 ngày. Kết quả cho thấy, cường độ chịu nén bê tông có phụ gia giảm nước sau 28 ngày tăng khi 10% và 20% tro bay được sử dụng để thay thế xi măng so với mẫu đối chứng trong
khi cường độ chịu nén của bê tông 40% tro bay chỉ tăng hơn so với mẫu đối chứng sau 56 ngày. Tro bay góp phần tăng khả năngchống thấm của bê tông khi tỉ lệ thay thế xi măng từ 20% đến 40%. Trong giới hạn nghiên cứu của bài báo, tác giả đề xuất sử dụng 20% tro bay thay thế xi măng vì góp phần tăng cả cường độ chịu nén và khả năng chống thấm của bê tông sau 28 ngày tuổi.
Tạp chí khoa học và công nghệ đại học Đà Nẵng, vol. 17, no. 1.1, 2019 (ntbtra)