Các tỉnh cũng cần thành phố thông minh và trung tâm giám sát không gian mạng
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi tỉnh lớn nên có một trung tâm báo chí. Với các tỉnh nhỏ, cũng cần hình thành nên các trung tâm giám sát an toàn không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi chia sẻ với lãnh đạo các Sở TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Thành phố lớn nên có trung tâm báo chí và giám sát không gian mạng
TP.HCM vừa chính thức đưa vào hoạt động mô hình Trung tâm báo chí của thành phố. Đây cũng là trung tâm chức năng đầu tiên trên cả nước thực hiện việc cung cấp dịch vụ liên quan đến các hoạt động báo chí tại địa phương.
Trung tâm báo chí TP.HCM sẽ là đầu mối kết nối giữa lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác về các hoạt động của TP.HCM trên mọi lĩnh vực. Điều này nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí của Trung ương, các báo địa phương và đại diện các cơ quan báo chí quốc tế thường trú trên địa bàn TP.HCM.
Mới đây, chia sẻ cùng lãnh đạo 63 Sở TT&TT trên cả nước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lớn nên có một trung tâm báo chí theo mô hình của TP.HCM.
Với các tỉnh nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra đề xuất về việc hình thành nên các trung tâm giám sát an toàn không gian mạng. Cục An toàn thông tin (ATTT) sẽ là nơi được giao nhiệm vụ tạo ra các mô hình không gian mạng mini để làm kiểu mẫu cho các địa phương.
Với mô hình trung tâm giám sát an toàn không gian mạng, trước đó, Thái Bình đã là địa phương đầu tiên triển khai thành công mô hình kiểu mẫu về Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) tại Việt Nam.
Trung tâm điều hành an toàn, an ninh thông tin tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trọng Đạt
Nhiệm vụ của Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng là giúp các cơ quan tổ chức theo dõi, giám sát những nguy cơ, rủi ro 24/7, từ đó phát hiện sớm các lỗ hổng, các cuộc tấn công để chủ động ứng phó. Trung tâm điều hành an ninh mạng của tỉnh Thái Bình chính là mô hình kiểu mẫu về việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin tại các địa phương.
Việc hình thành nên các mô hình trung tâm báo chí hay trung tâm giám sát an toàn không gian mạng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở, đồng thời hiện thực hoá việc biến những đơn vị này trở thành cánh tay nối dài của Bộ TT&TT tại các địa phương.
Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ Sở TT&TT các tỉnh về việc hướng dẫn xây dựng phần mềm dùng cho trung tâm giám sát an toàn không gian mạng mini. Đối với các công cụ phần cứng, Sở TT&TT tại các địa phương có thể tìm cách triển khai theo mô hình xã hội hoá.
Các tỉnh cần làm gì để xây dựng thành phố thông minh?
Trong buổi trò chuyện với các Sở TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đề xuất một cách tiếp cận mới đối với việc triển khai thành phố thông minh.
Thành phố thông minh là một khái niệm mới và không có thiết kế tường minh. Do vậy, với những tỉnh có các vấn đề nóng về giao thông, trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, Sở TT&TT có thể tư vấn cho lãnh đạo tỉnh việc triển khai hệ thống camera giám sát như một giải pháp để phục vụ cho công tác quản lý tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi lắng nghe các ý kiến đóng góp và đề xuất từ các Sở TT&TT tại 63 tỉnh thành địa phương. Ảnh: Trọng Đạt
Điều này có thể được thực hiện với sự chung tay của các doanh nghiệp. Các Sở nên đề nghị doanh nghiệp tự tiến hành thử nghiệm trong một phạm vi nhỏ. Chỉ khi nào việc thử nghiệm cho kết quả tốt và hiệu quả, lúc ấy Sở TT&TT mới nên đề xuất với lãnh đạo tỉnh về vấn đề đầu tư. Cách làm này có thể giúp địa phương tránh được những tốn kém do đầu tư không hiệu quả.
Với chính quyền điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các Sở TT&TT phải xoáy vào trọng tâm là cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3 cấp độ 4, mà cơ bản là cấp độ 4.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thay vì các kế hoạch cao siêu, Sở TT&TT cần phải giúp lãnh đạo tỉnh nhìn thấy giá trị của việc xây dựng thành phố thông minh thông qua chính các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến.
Đối với việc xây dựng hạ tầng ICT và truyền thông tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, từng tỉnh phải có kế hoạch hằng năm về việc phát triển hạ tầng. Sau đó, Sở TT&TT có thể thuyết phục doanh nghiệp đầu tư để đạt mục tiêu của mình, trước khi buộc phải sử dụng đến nguồn lực ngân sách từ quỹ viễn thông công ích.
Bộ TT&TT cũng giao nhiệm vụ cho các Sở TT&TT phải giúp TCT Bưu điện Việt Nam trong việc hình thành nên mã bưu chính. Bên cạnh đó, các Sở cũng cần triển khai mạnh hệ thống cầu truyền hình đến tận cấp xã, đặc biệt là các tỉnh miền núi và tìm cách nâng mật độ sử dụng smartphone tại các địa phương.
Trọng Đạt