Khai giảng lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ thuộc Mạng lưới TISC và IP-HUB
Ngày 27/6/2019 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) khai giảng lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ thuộc Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC, IP-HUB). Lớp tập huấn có sự tham gia của các đại biểu từ hơn 20 viện nghiên cứu, trường đại học và một số doanh nghiệp khu vực phía Bắc. Ông Đinh Hữu Phí, Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc.
Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC), theo sáng kiến của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), được thành lập nhằm mục tiêu: Hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ; Gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, sáng chế nói riêng của chủ đơn Việt Nam, đặc biệt là từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Mạng lưới TISC của Việt Nam hiện nay có 35 thành viên là các viện nghiên cứu, trường đại học ở cả ba miền.
Bên cạnh Mạng lưới TISC, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đồng thời chủ trì Mạng lưới IP-HUB theo mô hình trục xoay và nan hoa thuộc Dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ Kiến tạo (EIE) của WIPO. Trong số các thành viên Mạng lưới TISC của Việt Nam, WIPO đã phỏng vấn lựa chọn ra 12 thành viên tham gia vào Mạng lưới IP-HUB. Trong khi mục tiêu của Mạng lưới TISC là tập trung vào việc khai thác thông tin sáng chế, thúc đẩy đăng ký sáng chế thì mục tiêu của Mạng lưới IP-HUB là trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Trong năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ giao Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp tổ chức 10 mô-đun tập huấn kỹ năng cho các cán bộ chuyên trách của Mạng lưới TISC và IP-HUB trong toàn quốc. Hai mô-đun đầu tiên được thực hiện ngày 27-28/6/2019 tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu thuộc hơn 20 tổ chức là các viện nghiên cứu, trường đại học và một số doanh nghiệp khu vực phía Bắc, bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Dầu khí, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, …, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã nêu khái quát về tình hình đăng ký sáng chế tại Việt Nam, đặc biệt là sáng chế của chủ đơn Việt Nam. Ông nhấn mạnh vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp đó là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các thành quả sáng tạo của mình. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của các chủ thể Việt Nam hiện nay chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các chủ thể nước ngoài, chỉ bằng khoảng 10-12% so với tổng số đơn đăng ký sáng chế mà Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận. Do đó, ông mong muốn các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân Việt Nam quan tâm hơn nữa đến hoạt động đăng ký sáng chế. Đó là lý do mà Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì tổ chức chuỗi mô-đun tập huấn này nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ trong Mạng lưới. Các học viên cần cam kết tham gia đầy đủ các mô-đun trong suốt quá trình tập huấn để thu được kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp.
Thay mặt các đại biểu tham dự, ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) đã cảm ơn Cục Sở hữu trí tuệ về việc tổ chức 10 mô-đun tập huấn hữu ích cho các viện, trường, doanh nghiệp. Trong bối cảnh xu thế thế giới hiện nay, việc bảo hộ sáng chế đang rất được quan tâm. Mạng lưới TISC giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các thành viên với nhau cũng như nhận được sự trợ giúp của WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ. Sự tham gia đông đủ vào lớp tập huấn này chứng tỏ các đơn vị đánh giá cao vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế và giải pháp hữu ích.
Ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) phát biểu.
Các mô-đun 1 và 2 trong số 10 mô-đun tập huấn sẽ được triển khai trong hai ngày 27-28/6/2019 tại Hà Nội và 3-4/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Mô-đun 1 “Tổng quan về các đối tượng sở hữu trí tuệ và Thủ tục đăng ký sáng chế” bao gồm các chuyên đề: Tổng quan về sở hữu trí tuệ, nhận dạng các đối tượng sở hữu trí tuệ của viện/trường/doanh nghiệp; Thủ tục đăng ký sáng chế; Tính mới của sáng chế; Trình độ sáng tạo của sáng chế; Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế. Mô-đun 2 “Tra cứu tình trạng kỹ thuật và Nộp đơn đăng ký sáng chế” bao gồm các chuyên đề: Dự báo khả năng bảo hộ sáng chế thông qua tra cứu tình trạng kỹ thuật; Kỹ năng tra cứu tình trạng kỹ thuật; Các nội dung chủ yếu của đơn đăng ký sáng chế; Nộp đơn đăng ký sáng chế ở trong nước và quốc tế. Các chuyên đề được thực hiện bởi các cán bộ có kinh nghiệm của Cục Sở hữu trí tuệ. Hình thức tập huấn kết hợp giữa lý thuyết, thực hành và tư vấn tại chỗ. Với việc hoàn thành 10 mô-đun tập huấn, học viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kỹ năng tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế.
Các đại biểu tham dự lớp tập huấn.
CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN DÀNH CHO CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA CÁC TỔ CHỨC TRONG MẠNG LƯỚI TISC và IP-HUB NĂM 2019
(Thông tin chi tiết xin liên hệ: Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Email: phongthongtin@noip.gov.vn.; ĐT: 024.38583069, máy lẻ 1485)
Mô-đun 1. Tổng quan về các đối tượng sở hữu trí tuệ và Thủ tục đăng ký sáng chế
Mô-đun 2. Tra cứu tình trạng kỹ thuật và Nộp đơn đăng ký sáng chế
Mô-đun 3. Kỹ năng soạn thảo yêu cầu bảo hộ của sáng chế
Mô-đun 4. Kỹ năng soạn thảo bản mô tả sáng chế (cơ bản)
Mô-đun 5. Tra cứu tình trạng kỹ thuật và soạn thảo bản mô tả sáng chế trong lĩnh vực cơ khí, điện tử
Mô-đun 6. Theo đuổi đơn đăng ký sáng chế (thẩm định hình thức)
Mô-đun 7. Tra cứu tình trạng kỹ thuật và soạn thảo bản mô tả sáng chế trong lĩnh vực hóa, dược
Mô-đun 8. Theo đuổi đơn đăng ký sáng chế (thẩm định nội dung)
Mô-đun 9. Phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện/trường thông qua mạng lưới TISC và IP-HUB
Mô-đun 10. Chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các viện/trường.