Mô hình xác suất cho dầm bê tông cốt thép ứng suất trước tiết diện chữ T
Ý tưởng về ứng suất trước (UST) hình thành từ nhu cầu ngăn ngừa sự phát triển vết nứt trong giai đoạn đầu của quá trình chịu tải trọng.
Ảnh minh họa
Ngày nay, kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) UST được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng. Do vậy, các phương pháp thiết kế kết cấu BTCT UST nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu. Xu hướng hiện nay là việc sử dụng các mô hình phi tuyến nâng cao trong thiết kế loại kết cấu này.
Sức kháng uốn của dầm BTCT UST có tiết diện chữ T cũng đã được quan tâm và nghiên cứu nhiều, thể hiện qua các bài báo đã đăng tải ở nhiều kỳ trên Tạp chí PCI (Viện Bê tông ứng suất trước) (Seguirant, S. J. và cộng sự, 2005). Các nghiên cứu này đã phân tích ứng xử dầm BTCT UST bằng phương pháp biến dạng tương hợp.
Lê Đức Tuấn- Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn thực hiện nghiên cứu này với mục đích là thiết lập một mô hình xác suất cho ứng xử kháng uốn của dầm đơn giản BTCT UST có tiết diện chữ T.
Một mô hình xác suất cơ bản cho ứng xử kháng uốn của dầm đơn giản BTCT UST có tiết diện chữ T đã được thiết lập trên cơ sở xem xét tính chất ngẫu nhiên của các thông số đầu vào như đặc trưng vật liệu và vị trí cáp UST trong tiết diện. Phân bố Gaussian được áp dụng cho hàm mật độ xác suất của các biến ngẫu nhiên đầu vào và kỹ thuật mô phỏng Monte Carlo được sử dụng trong quá trình mô phỏng. Mô hình này sau đó đã được dùng để tính toán sức kháng uốn của tiết diện chữ T và chuyển vị thẳng đứng tại tiết diện giữa dầm của dầm BTCT UST có kể đến hiện tượng chùng ứng suất. Các kết quả tính toán đã được so sánh với lời giải tiền định. Nghiên cứu cho thấy rằng mô hình xác suất cơ bản đã thiết lập đủ tin cậy để dùng cho việc phân tích ứng xử kháng uốn của dầm đơn giản BTCT UST. Nghiên cứu này có thể tiếp tục phát triển với việc xét đến ảnh hưởng của cốt thép thông thường và cáp UST ở phần phía trên của tiết diện cũng như vết nứt trong dầm.
Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 14(2) (ntbtra)