Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ dự Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và hợp tác xã, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Sơn La
Trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2019, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã tham dự Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và hợp tác xã, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Sơn La...
Toàn cảnh Hội nghị.
Nhận lời mời của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2019, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã tham dự Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và hợp tác xã, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Sơn La, thăm và trao đổi kinh nghiệm với một số cơ sở sản xuất, chế biến trái cây hữu cơ của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã chủ trì Hội nghị và tổng kết, ghi nhận những thành tích của tỉnh nhà. Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc “đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu được xác định là khâu đột phá”, Ban Chỉ đạo 598 (tỉnh ủy Sơn La) đã trực tiếp chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh triển khai kế hoạch sản xuất gắn chặt với tiêu thụ nông sản đồng bộ trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã tích cực, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu lựa chọn giống, lai ghép, chăm sóc, thu hoạch, thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, hình thành thêm một số vùng cây ăn quả là giống chất lượng cao của một số nước. Tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La tính đến hết tháng 6/2019 đạt 62.734 ha, đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất khu vực phía Bắc và đứng thứ 2 trong cả nước, sau Lâm Đồng. Trong đó bao gồm các loại cây ăn quả có năng suất và giá trị kinh tcao như xoài (12.624 ha), nhãn (15.090 ha), sơn tra (11.470 ha), mận (8.746 ha), chuối (4.553 ha), chanh leo, bơ, thanh long, cam, quýt, bưởi, chanh, na, táo... Trong số 588 hợp tác xã, có 100 hợp tác xã nông nghiệp và 41 hợp tác xã cây ăn quả được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, thu nhập bình quân năm 2019 dự kiến đạt 2.040 triệu đồng/năm, riêng doanh thu bình quân của hợp tác xã cây ăn quả đạt 3.000 triệu đồng/năm.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí tham dự Hội nghị
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, với sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương như Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Xúc tiến thương mại…, tỉnh Sơn La cũng đã chú trọng nhiều đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đầu ra. Cho đến nay, cả tỉnh đã có 18 loại sản phẩm nông sản, thực phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm 03 Chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Sơn La, xoài tròn Yên Châu), 13 Nhãn hiệu chứng nhận (chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, bơ Mộc Châu, chuối Yên Châu, táo sơn tra Sơn La, na Mai Sơn, chè Phông Lái Thuận Châu, khoai sọ Thuận Châu, nếp Mường và Sốp Cộp, cá tầm Sơn La và cá Sông Đà Sơn La) và 02 nhãn hiệu tập thể (mật ong Sơn La, chè Tà Xùa Bắc Yên) và dự kiến hoàn thiện đăng ký bảo hộ trong nước cho các nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm mận Sơn La, chanh leo Sơn La, rau an toàn Sơn La, xoài Sơn La, nhãn Sơn La, bơ Sơn La, gạo Phù Yên Sơn La, thanh long Sơn La, rượu Hang Chủ Bắc Yên và bảo hộ tại thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm xoài Sơn La hoặc nhãn Sơn La trong năm 2021.
Một số sản phẩm nông sản trưng bày tại Hội nghị
Đại biểu thăm và làm việc với các doanh nghiệp tại Mộc Châu.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao những kết quả mà Sơn La đã đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Đinh Hữu Phí cũng mong rằng, Sơn La sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa thế mạnh của mình, chú trọng vào việc bảo hộ, quản lý và khai thác thương mại các tài sản trí tuệ của địa phương, đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ các địa phương nói chung và Sơn La nói riêng trong các hoạt động xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước.
Tổng kết Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy Sơn La chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất, chuyển mạnh sang xuất khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác, phát triển hợp tác xã nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất theo chuỗi giá trị và đặc biệt xác định xuất khẩu nông sản là khâu đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; Tập trung quản lý và khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ trong nước cho các nông sản, đặc biệt chú trọng khâu chế biến và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; Đồng thời, định hướng chọn một số chỉ dẫn địa lý có thế mạnh phù hợp để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại một số quốc gia nhằm nâng cao vị thế cho các loại trái cây, nông sản của Sơn La trên thị trường quốc tế.
Bên lề Hội nghị, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và các cán bộ trong đoàn đã cùng với đại diện Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La trực tiếp thăm và trao đổi kinh nghiệm xác lập quyền và khai thác thương mại đối với các tài sản trí tuệ được bảo hộ tại một số cơ sở sản xuất chế, biến trái cây hữu cơ của tỉnh./.
Phòng Pháp chế và Chính sách