SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam sắp có "Liên minh Chuyển đổi số"

[15/07/2019 16:33]

Một liên minh gồm các doanh nghiệp “rường cột” của nền CNTT - Truyền thông Việt Nam sẽ được thành lập và công bố chính thức trong chương trình nghị sự của Vietnam ICT Summit 2019 sắp diễn ra, với sứ mệnh chung tay thúc đẩy công cuộc Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Mới đây, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA), cuộc họp về việc thành lập "Liên minh Chuyển đổi số" đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp CNTT - Truyền thông lớn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Việt Nam), trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện… để hoàn thiện hơn.

Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.

Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025 Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN.

Trong Dự thảo này, cũng đặt ra chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới và đưa công nghệ 4.0 phổ cập ở Việt Nam. Cùng đó, chỉ tiêu đặt ra cho chuyển đổi số doanh nghiệp đến năm 2025 là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GDP; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số; phát triển 5 doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

Đồng thời, với chuyển đổi số Chính phủ, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; 30% thủ tục hành chính được cắt giảm nhờ dữ liệu; 20% dịch vụ mới được phát triển dựa trên dữ liệu (data driven).

Nhận định nhân lực, an ninh mạng, đổi mới sáng tạo và môi trường pháp lý cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia, tại Dự thảo, cơ quan xây dựng Đề án đã đề xuất nhiều mục tiêu tham vọng khác như: Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến về môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng 3 thung lũng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam; dẫn đầu khu vực ASEAN là nơi thử nghiệm công nghệ mới; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số, Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn, an ninh mạng trong khu vực ASEAN; 30% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số; đào tạo được 30.000 kỹ sư AI; đào tạo thêm 1 triệu nhân lực trình độ cử nhân, kỹ sư về ICT, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Big Data, Cloud, IoT, CyberSecurity….

Theo các nhà quản lý cũng như các chuyên gia trong ngành, để có được một Chiến lược số Quốc gia bài bản cũng như những mục tiêu đặt ra kể trên, rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung tay của tất cả Bộ, Ngành, các cấp chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và toàn xã hội. Mà trong đó, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, những người gánh sứ mệnh lớn lao để tiên phong chuyển đổi cũng như chia sẻ, nhân rộng những mô hình ưu việt đến các doanh nghiệp khác.

Trong bối cảnh đó, một "Liên minh Chuyển đổi số" ra đời được đánh giá là vô cùng cần thiết, để tập hợp những nguồn lực của ngành vì mục tiêu chung phát triển Việt Nam hùng cường, hiện đại.

Đến thời điểm này, đã có các Doanh nghiệp và tổ chức như Tập đoàn FPT, Viettel, VNPT, CMC, VNG, Hài Hòa, Mobifone, VSII, Viện Khoa học công nghệ VINASA, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Đại học Bách Khoa Hà Nội... xác nhận tham gia Liên minh.

Lễ ra mắt Liên minh sẽ diễn ra trong Chương trình Vietnam ICT Summit 2019 vào ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.

Tường Linh

 

www.doanhnhansaigon.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ