Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Để Việt Nam đột phá, cách duy nhất là phát triển công nghệ
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để Việt Nam có sự phát triển đột phá, thu nhập bình quân người dân vượt mức trung bình thì chỉ có cách duy nhất là phát triển công nghệ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp gỡ cộng đồng CNTT-TT phía Nam. Ảnh: TTXVN
Ngày 15/7 vừa qua, đoàn công tác Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về Chính phủ Điện tử, Chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để Việt Nam có sự phát triển đột phá, thu nhập bình quân người dân vượt mức trung bình thì chỉ có cách duy nhất là phát triển công nghệ. Muốn làm được điều này, cần kích hoạt khát vọng làm cho Việt Nam phát triển hùng cường trong mỗi người dân. Để kích hoạt được khát vọng đó, vai trò của báo chí là rất quan trọng trong việc tuyền truyền để người dân tham gia chuyển đổi số, học hỏi và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói thêm, khái niệm chuyển đổi số nghe rất to tát với người nông dân ở vùng sâu vùng xa, không rõ chuyển đổi số có thể làm gì cho họ. Nhưng họ cũng có khát vọng mong muốn con cái được học tập với chất lượng tốt như ở các thành phố lớn.
“Hiện tại, với một chiếc smartphone hay máy tính bảng có kết nối Internet, con cái họ đã có thể tham gia các khóa học trực tuyến ngay tại nhà với chất lượng đào tạo tương đương các trường học nổi tiếng tại Hà Nội hay TP.HCM. Đó chính là chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ví dụ.
Cùng ngày, khi phát biểu tại buổi gặp gỡ cộng đồng CNTT-TT phía Nam nhằm hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, Bộ trưởng Bộ TT&TT một lần nữa có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề chuyển đổi số ở Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng, chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam, nhưng đây là sự thay đổi mang tính toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp. Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ thông tin chính là đầu tàu để kéo theo các ngành nghề khác phát triển. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ đưa tinh thần chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn hỗ trợ phòng thí nghiệm cho các trường đại học nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực CNTT.
Cùng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất bởi cái chính là sự thay đổi tư duy, doanh nghiệp công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Đó là các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn, có năng lực về tài chính, thị trường, quản trị chuyển sang làm công nghiệp công nghệ.
Các doanh nghiệp công nghệ đã thành danh, phần nhiều là từ gia công, lắp ráp, nay chuyển sang là làm sản phẩm “Made in Việt Nam;” các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ…
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, lĩnh vực ICT là nền tảng và là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Việt Nam không đi theo sau nữa mà sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực quản lý, lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành làm mục tiêu quản lý.
“Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực tạo ra sự phát triển bền vững và bao trùm cho Việt Nam. Nâng cao thứ hạng Việt Nam, bám vào các KPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước”, Bộ trưởng cho hay.
|
Bảo Lâm