Tham gia CPTPP: Doanh nghiệp Việt cần ‘tỉnh táo’ để tránh vi phạm sở hữu trí tuệ
Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Việt Nam tham gia CPTPP, doanh nghiệp cũng như người dân, nhà khoa học cần phải tìm hiểu kỹ để tránh việc vô tình vi phạm về sở hữu trí tuệ và phải chịu chế tài xử phạt cao.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, CPTPP có chế tài mạnh và chặt chẽ hơn trong thực thi quyền SHTT. Ảnh Trí Thức trẻ
Doanh nghiệp, nhà khoa học cần hiểu rõ CPTPP
Liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng việc Luật SHTT vừa được thông qua nhằm thực hiện một phần những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định CPTPP là một trong những FTA thế hệ mới quy định về quyền SHTT rất cao. Các quy định của CPTPP hay các FTA khác cũng như Luật SHTT mục tiêu chính là bảo vệ kết quả sáng tạo, bảo vệ các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp có thành quả sáng tạo, chứ các quy định này không nhằm gây khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Lâm cũng cho biết, nếu doanh nghiệp và nhà khoa học không hiểu rõ CPTPP thì sẽ gặp bất lợi. Thậm chí, nếu không cập nhật thông tin, vô tình xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài cao theo quy định của CPTPP.
“Trước đây ở các vụ tranh chấp, khiếu kiện về SHTT, nếu nguyên đơn thua thì không xảy ra vấn đề gì cả, nhưng với CPTPP thì bị đơn có thể yêu cầu nguyên đơn trả chi phí hợp lý để thuê luật sư của họ”, ông Lâm giải thích.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng cho biết, trong thời kỳ hội nhập hiện nay thì nhãn hiệu, tên tuổi và bằng phát minh sáng chế, bí quyết kỹ thuật… là những “tài sản” vô hình nhưng rất giá trị. Khi chúng ta tham gia CPTPP, các chế tài với xâm phạm SHTT càng cao hơn, thậm chí một số hiệp định còn tăng mức hình sự hóa. Do đó, doanh nghiệp cũng như người dân, nhà khoa học cần phải tìm hiểu kỹ để tránh việc vô tình vi phạm về SHTT và phải chịu chế tài xử phạt cao.
CPTPP có chế tài mạnh và chặt chẽ hơn trong thực thi quyền SHTT. Ví dụ như thực thi ngay lập tức ở biên giới hoặc trong các hoạt động xuất nhập khẩu đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu quyền tác giả, cho phép các cơ quan thực thi được thực hiện chế tài xử phạt ngay lập tức mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay.
CPTPP cũng yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm, ví dụ như hành vi xâm phạm bí mật thương mại trên mạng máy tính, hoặc sử dụng tem nhãn và bao gói giả mạo nhãn hiệu … cũng đã có thể bị xử lý hình sự.
Cùng với đó, những hoạt động xâm phạm quyền SHTT của người khác để thu lợi, không cần biết là ở mức nào, cố ý hay vô ý, cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại, sẽ bị xử lý hình sự. Đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý, bởi có những trường hợp vô tình xâm phạm nhưng dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu thì cũng có thể bị quy kết.
Luật SHTT sửa đổi thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ
Trong bối cảnh CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình trong CPTPP - một trong những hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có quy định bảo hộ quyền SHTT ở mức rất chặt chẽ.
Do đó, Luật SHTT đã được sửa đổi vừa được thông qua tập trung vào 5 vấn đề là cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền SHTT.
“Chúng ta nên lưu ý vấn đề mấu chốt rằng dù là FTA hay Luật SHTT thì việc thực thi chúng cũng là nhằm hỗ trợ chứ không phải ngăn cản các hoạt động sáng tạo và nếu các nhà khoa học, nhà sáng chế cũng như các doanh nghiệp có được những hiểu biết đầy đủ và nắm vững được các quy định về SHTT, họ sẽ có cơ hội tận dụng tối đa luật để bảo hộ quyền sở hữu của chính mình. Ngược lại, nếu ai đó chỉ chăm chăm đi sao chép, xâm phạm quyền của người khác thì chắc chắn sẽ bị chế tài của luật pháp điều chỉnh”, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (giữa). Ảnh Hán Hiển.
Ông Lê Ngọc Lâm cũng lấy ví dụ về một trong năm nội dung điều chỉnh của Luật SHTT góp phần tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có nhiều cơ hội chuẩn bị khi tăng thời gian ân hạn nộp hồ sơ đăng ký quyền SHTT với sản phẩm phát minh, sáng chế có được trong quá trình nghiên cứu.
“Trước đây, sau khi xuất bản công bố trên các tạp chí quốc tế, các nhà khoa học chỉ có 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ gửi lên Cục SHTT đăng ký bằng phát minh, sáng chế, nếu không sẽ mất tính mới của sản phẩm. Nay với quy định mới, họ sẽ có cả một năm để chuẩn bị các công việc cần thiết trước khi nộp hồ sơ. Trong trường hợp này, bài báo công bố sẽ không làm mất tính mới của sáng chế”.
Ông cũng nhấn mạnh các nhà nghiên cứu cần chú ý, qua thời hạn 12 tháng đó, ân hạn sẽ không còn nên nếu có hồ sơ đăng ký sáng chế thì chắc chắn Cục SHTT sẽ không chấp thuận.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Luật SHTT sửa đổi góp phần thúc đẩy quá trình tạo ra tài sản trí tuệ nhưng ngược lại, việc sử dụng tài sản đó cần phải có trách nhiệm hơn.
“Thời gian 12 tháng ở đây tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học là trong vòng 12 tháng sau khi công bố bài báo quốc tế vẫn có thể đi đăng ký bằng phát minh sáng chế. Nếu trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp sử dụng kết quả đấy vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình thì doanh nghiệp vi phạm quyền tác giả về phát minh sáng chế. Khai thác kết quả khoa học không có nghĩa là thấy công bố công trình là mình có thể miễn phí mang về ứng dụng luôn”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết , việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT không chỉ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, ví dụ trong chuyển giao bằng đăng ký sở hữu công nghiệp, bên giao và bên nhận không cần đến Cục SHTT để chứng nhận mà có thể tiến hành thỏa thuận như đối với một hợp đồng dân sự về một loại tài sản thông thường, mà còn đem đến những biện pháp bảo vệ quyền SHTT ở mức cao hơn.
Hiện nay, có một số hệ thống bảo hộ quốc tế được thiết lập như đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua thỏa ước Madrid và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo thỏa ước Lahay.
Việc đăng ký bảo hộ theo Lahay và Madrid được thực hiện ở nước ngoài đơn giản, dễ dàng, giảm thiểu thời gian và tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp nắm vững được cách thức vận hành của các hệ thống bảo hộ quốc tế để từ đó sử dụng thành thạo và hiệu quả các hệ thống này. Cũng theo ông Lâm, bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp ở nước ngoài là điều mà doanh nghiệp trong nước nên làm.
|
Phong Lâm