Thông báo về việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14) vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2019...
Ảnh: www.vi.sblaw.vn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14) vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2019. Luật này được Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời nội luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.
Các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Luật này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: (1) cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (2) sáng chế; (3) nhãn hiệu; (4) chỉ dẫn địa lý và (5) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
1. Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định bổ sung tại khoản 3 Điều 89, theo đó cho phép đơn đăng ký có thể được nộp dưới dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Sáng chế
- Về tính mới của sáng chế (Điều 60): mở rộng ngoại lệ về tính mới của sáng chế về cả chủ thể bộc lộ, hình thức và địa điểm bộc lộ, đồng thời kéo dài thời gian được hưởng ngoại lệ (từ 6 tháng lên 12 tháng).
- Về trình độ sáng tạo của sáng chế (Điều 61): bổ sung quy định các trường hợp ngoại lệ về bộc lộ theo quy định tại Điều 60 cũng không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.
3. Nhãn hiệu
- Về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu (Điều 136): bổ sung quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Về hiệu lực của hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (Điều 148): hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không cần phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp để có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
4. Chỉ dẫn địa lý
- Về căn cứ phát sinh, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý (khoản 3 Điều 6): Bổ sung cơ sở xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý (Điều 80):
+ quy định chi tiết căn cứ xác định tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa là trên cơ sở nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
+ sửa đổi, bổ sung các trường hợp không bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã được nộp theo đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
- Bổ sung quy định về việc xử lý đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý (Điều 120ª).
5. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
- Về quyền tự bảo vệ (Điều 198): bổ sung hai khoản mới quy định về:
+ quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán chi phí thuê luật sư hoặc các chi phí khác trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu bị đơn được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm quyền;
+ quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.
- Về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 205): bổ sung căn cứ xác định theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra.
- Về thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan (Điều 218): bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/11/2019. Tuy nhiên, những quy định về sở hữu trí tuệ tại Luật này có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 đối với các trường hợp liên quan đến đơn đăng ký xác lập quyền nộp từ ngày 14/01/2019, yêu cầu chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thực hiện từ ngày 14/01/2019, các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý từ ngày 14/01/2019, yêu cầu khác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực hiện từ ngày 14/01/2019.
Đối với các đơn đăng ký sáng chế, các đơn chỉ dẫn địa lý được nộp trước ngày 14/01/2019, các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã thụ lý trước ngày 14/01/2019 nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 để xử lý. Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết nhưng chưa đăng ký trước ngày 14/01/2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ ngày 14/01/2019.
Nội dung chi tiết của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ vui lòng tham khảo tại đây.
Phòng Pháp chế và chính sách