SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của hệ sinh thái ngọt và lợ đến sinh trưởng lúa và đặc tính hóa học đất trong hệ thống canh tác lúa - tôm ở tỉnh Bạc Liêu

[25/07/2019 16:57]

Nghiên cứu do hai tác giả Lê Văn Dang và Ngô Ngọc Hưng thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.

Tỉnh Bạc Liêu được chia thành ba vùng sinh thái theo đơn vị quản lý nước: mặn, ngọt và lợ. Ở vùng sinh thái lợ, phần lớn diện tích đất canh tác chuyên lúa chuyển sang mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa). Mô hình được đánh giá là bền vững đối với vùng ven biển. Tuy nhiên, khi đất bị xâm nhập mặn với độ mặn cao sẽ gây tác động bất lợi cho sự phát triển của lúa. Xâm nhập mặn gây trở ngại đến tính chất hóa học, vật lý và cấu trúc cũng như hoạt động của hệ vi sinh vật đất và tăng trưởng cây trồng.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Mục tiêu đề tài nhằm đánh giá: (i) ảnh hưởng của vùng sinh thái ngọt, lợ đến hệ thống canh tác lúa; (ii) đặc tính đất và nước ở hai vùng sinh thái; (iii) hiệu quả của bón vôi lên sinh trưởng và năng suất. Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện từ tháng 8 đến cuối tháng 12 năm 2013 tại Phước Long và Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Kết quả cho thấy, sau vụ tôm, đất ở Phước Long bắt đầu trồng lúa vào tháng 8 với tình trạng mức độ nhiễm mặn cao (ECe: 8,0 mS/cm; ESP: 13,8%). Cation trao đổi trong đất nhiễm mặn Phước Long được xếp theo thứ tự giảm dần như sau: Mg2+ > Na+ > Ca2+ > K+ với hàm lượng tương ứng là 8,0 > 3,0 > 1,5 > 1,0 meq/100 g. Do sự tích tụ muối trong đất xảy ra ở vùng nước lợ, giá trị ECe và ESP biểu hiện ở mức cao vào tháng 12 (5,6 mS/cm và 7,8%, theo thứ tự), điều này gây bất lợi đến sinh trưởng và năng suất lúa ở Phước Long so với vùng sinh thái ngọt trồng lúa ở Hồng Dân.

Việc bón vôi trên đất nhiễm mặn Phước Long giúp giảm thiệt hại mặn đối với lúa, thể hiện qua giảm thiệt hại về số bông trên mét vuông, tỷ lệ hạt chắc và do đó năng suất lúa cao hơn khoảng 0,6 tấn/ha so với không bón vôi. Tuy nhiên, đối với lúa ở vùng nước ngọt Hồng Dân, việc bón vôi không có hiệu quả trong gia tăng năng suất lúa.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 5/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ