Khả năng kháng oxy hóa và bảo vệ tế bào MIN6 tụy tạng của dịch trích methanol lá xoài non (Mangifera indica L.)
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Ái Lan và Đái Thị Xuân Trang - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm chứng minh dịch trích LXN có hiệu quả kháng oxy hóa.
Trên thế giới, lá xoài (Mangifera indica L.) thường được sử dụng để chữa các bệnh như: ho, sốt và trị lành các vết thương (Bbosa, 2007b). Cây xoài được xem là một loại dược liệu quan trọng vì chứa hàm lượng lớn hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học như: polyphenol, terpene, polyalcohol, acid béo, đường, ligin… (Rodeiro et al., 2007). Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh cây xoài có khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, chống co thắt, điều hòa miễn dịch, kháng viêm, bảo vệ gan, kháng hoạt động của ký sinh trùng và điều trị bệnh đái tháo đường (Garrido et al., 2001, Rodeiro et al., 2007, Shah et al., 2010). Thành phần hóa học của lá xoài được xác định gồm: saponin, glucoside, sterol không bão hòa, pholyphenol, acid euxanthin, mangiferin, mangin, galic và tanin. Trong đó, mangiferin là một xanthonoid có nhiều tác dụng sinh học đang được quan tâm như: hoạt tính kháng viêm, chống dị ứng, kháng oxy hóa. Hàm lượng mangiferin trong LXN được chứng minh nhiều khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lá xoài già (P < 0,05) (Ramírez et al., 2016).
Ảnh minh họa: Internet
Mangiferin ly trích từ lá xoài đã được chứng minh có tác dụng điều trị BĐTĐ, ngăn ngừa các biến chứng do bệnh gây ra như tim mạch, giảm lipid máu, giảm LDL_C (cholesterol xấu) và tăng HDL_C (cholesterol tốt) ở chuột bệnh đái tháo đường ở nồng độ 10-20 mg/kg trọng lượng sau 14 ngày (Muruganandan et al., 2005, Gururaja et al., 2015). Ngoài ra, mangiferin còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan, kháng viêm ở chuột với liều lượng từ 15-30 mg/kg trọng lượng. Nồng độ mangiferin có khá năng gây ra độc tính cấp trên chuột là > 1000 mg/kg trọng lượng/ngày, đây là một hàm lượng có khả năng gây độc rất thấp (Ramírez et al., 2016).
Trong lĩnh vực y học cổ truyền, quả xoài (Mangifera indica L.) có tác dụn nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt, tiêu hóa kém… (Đỗ Tất Lợi, 2011). LXN được sử dụng để điều trị các bệnh về hô hấp trên như: ho, viêm phế quản, tiêu chảy, kiết lị, viêm ngứa da (20-30 g/ngày) (Nguyễn Thượng Dong và ctv., 2003). Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cây xoài được trồng phổ biến và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Trong nghiên cứu này, kết quả giải trình tự các nucleotide vùng ITS cho thấy vật liệu sử dụng trong nghiên cứu có tên tiếng Việt thông dụng là xoài và tên khoa học là Mangifera indica L. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng, dịch trích LXN không gây độc tính cho tế bào MIN6 tụy tạng. Bên cạnh đó, dịch trích LXN được khẳng định có khả năng bảo vệ tế bào tụy tạng khỏi sự chết do stress mạng nội chất gây ra bởi tunicamycin. LXN cũng được chứng minh có khả năng kháng oxy hóa. Từ những kết quả này cho thấy rằng, LXN có tiềm năng trở thành nguồn dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 54/2018 (nnttien)