SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sáng chế phải 'đẻ' ra tiền chứ không phải để nằm yên trong ngăn kéo

[30/07/2019 16:15]

Tìm tòi nghiên cứu để cho ra sản phẩm tốt nhất, hay “lăn lộn” trải nghiệm với thị trường sẽ giúp các nhà khoa học thương mại hóa thành công những sáng chế của mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA trong một lần trả lời phỏng vấn của Tạp chí Khám phá mới đây. Ảnh: Hà Thế An.

Đi thẳng vào chất lượng, thị trường

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe khi còn là giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM đã có nhiều công trình nghiên cứu về sơn và chống thấm. Chính mối duyên với sơn đã giúp bà nhận giải thưởng Kovalevskaya vào năm 1993. Sau này, khi tiến hành thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ sơn, PGS Hòe đặt tên cho thương hiệu sơn của mình là KOVA, như một cách để tri ân giải thưởng này.

Trong một chia sẻ mới đây với phóng viên Tạp chí Khám phá, PGS Hòe nói, sản phẩm sơn do bà nghiên cứu hơn trong hơn 20 năm đã có mặt ở các thị trường như Indonesia, Cuba, Malaysia, Singapore, Nga…

Bà nói, để sản phẩm nghiên cứu đưa ra được thị trường, nhà khoa học phải đặt ra hai mục tiêu cụ thể là đầu tư chất lượng sản phẩm và làm sản phẩm mà xã hội cần chứ không phải là nghiên cứu xong lại "bỏ ngăn kéo".

Làm được hai điều trên, nhà khoa học cần phải thương mại hóa sản phẩm ở quy mô trong nước. Khi thành công ở thị trường trong nước rồi, mới đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Nhà khoa học cần kết hợp với doanh nghiệp vì doanh nghiệp hiểu thị trường và biết xã hội cần gì. Hơn nữa, doanh nghiệp lại có nguồn lực tài chính thì việc sản phẩm ra thị trường sẽ thuận lợi hơn. Khi sản phẩm có chất lượng, làm đúng những điều mà xã hội cần thì doanh nghiệp tự họ sẽ tìm đến và đầu tư.

PGS Hòe chia sẻ thêm, hãng sơn bà đang làm chủ có được những thành công là chính ở sự đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài đều luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất, và ở nước ngoài họ cũng rất khắt khe trong vấn đề kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Chính sự khắt khe đó giúp PGS Hòe hiểu được sản phẩm của mình đang đứng ở đầu và so sánh với thế giới như thế nào.

Sản phẩm sơn chống thấm CT-11A do PGS.TS Nguyễn Thị Hòe nghiên cứu được sản xuất trên công nghệ tự động hoàn toàn tại nhà máy lớn nhất của KOVA đóng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

“Chính vì đầu tư vào chất lượng nên hơn 20 năm làm sơn, chúng tôi không đầu tư vào việc quảng bá, nhưng sơn vẫn bán mạnh ở trong nước và quốc tế. Cách đây hơn 20 năm, để lập ra doanh nghiệp tư nhân không phải dễ với nhiều thủ tục. Nhưng hiện nay, thủ tục đã đơn giản hơn nhiều. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các sáng chế thương mại hóa và tạo lập doanh nghiệp phát triển bằng khoa học công nghệ”- PGS Hòe cho biết.

Cũng là một người đi lên từ những sáng chế, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc công ty yến sào Lovenest cho biết, hiện ông có 2 bằng sáng chế “Lưới tổ yến treo” và “Đà tổ yến cấu trúc kim tự tháp” được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế.

Ông Hưng nói hai bằng sáng chế mà ông có được xuất phát từ câu chuyện thị trường khi ông có thời gian dài làm nghề và tìm hiểu khá sâu về kỹ thuật nuôi yến. Từ những vấn đề bất cập trong thực tế, giúp ông đưa ra những sáng chế để quy trình nuôi yên trở nên tối ưu hơn, hiệu quả hơn.

“Sáng chế có giá trị khi nó giải quyết tốt hơn một vấn đề thực tiễn. Hai bằng sáng chế này đã giúp chúng tôi có được hàng trăm hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ cho các nhà nuôi yến sử dụng. Chúng tôi đã kín hết hợp đồng đến cuối năm”- ông Hưng chia sẻ.

Nhà nước, nhà trường hết sức tạo điều kiện cho nhà khoa học

Thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai mô hình nhà nước - doanh nghiệp - trường viện cùng đồng hành nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Theo đó, các nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm có từ 70% vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước sẽ đầu tư phần còn lại mà quyền sở hữu kết quả nghiên cứu vẫn thuộc về doanh nghiệp.

Trong năm 2018, đơn vị này đã tổ chức triển khai thực hiện 105 nhiệm vụ KH&CN mới. Trong đó, có 21 nhiệm vụ có sự phối hợp của doanh nghiệp với kinh phí gần 12,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu trong năm 2018 được ứng dụng đạt tỷ lệ 100%, tăng 1,13 lần so với năm 2017.

Sở cũng ưu tiên kết nối các doanh nghiệp với các đơn vị KH&CN, ưu tiên tuyển chọn những nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng thực tế cao, tạo ra những sản phẩm có thể nhanh chóng áp dụng thực tế, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, Trung tâm thông tin và thống kê thuộc Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Techport. Cổng thông tin đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp, các tổ chức tư vấn, tài chính, mạng lưới chuyên gia, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

Ông Võ Duy Khanh, Phó trưởng phòng Thông tin công nghệ, Trung tâm thông tin và thống kê, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, hiện Techport có khoảng 5,5 nghìn công nghệ của hơn 900 nhà cung cấp bao gồm nhà sáng chế, giảng viên, doanh nghiệp...

“Chúng tôi sẵn sàng đăng tải thông tin công nghệ, thông tin cá nhân, của chủ sở hữu công nghệ để doanh nghiệp biết và có những hoạt động kết nối, hợp tác thương mại hóa sản phẩm, hay chuyển giao công nghệ. Các hoạt động này là sự hỗ trợ và hoàn toàn miễn phí. Điều chúng tôi muốn làm là phát triển hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động hợp tác, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ được phổ biến hơn”- ông Khanh nói.

Trong khi đó, các trường ĐH hiện nay cũng đang nỗ lực hỗ trợ, kết nối giúp các giảng viên thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Mới đây, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đã tạo dựng mô hình doanh nghiệp trong trường ĐH với chức năng thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của giảng viên nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HC, nói rằng mô hình doanh nghiệp này là công cụ để đưa các kết quả nghiên cứu của giảng viên ra thị trường. Hiện nay, trường đang xin giấy phép sản xuất thử nghiệm từ cơ quan chức năng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm một số máy móc phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Trong vòng 1 năm tới, chúng tôi sẽ đưa ra sản phẩm thương mại hóa đầu tiên. Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 100 sản phẩm mẫu để tiến hành tiếp tục phát triển, thương mại hóa”- PGS Hoàn cho hay.

Trường ĐH là "cái nôi" của những nghiên cứu, sáng chế và cần được hỗ trợ để thương mại hóa. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng theo ông Hoàn, sắp tới trường sẽ hợp tác với đối tác là Cơ quan phát triển công nghệ sinh học Chungcheon (Hàn Quốc) trong chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu” của Saigon Innovation Hub nhằm học hỏi kinh nghiệm, cách làm của Hàn Quốc.

“Cái khó của giảng viên chính là kinh nghiệm làm marketing, chào bán sản phẩm nghiên cứu còn hạn chế. Chúng tôi hy vọng, sự kết hợp với Hàn Quốc sẽ giúp giảng viên có nhiều kiến thức, kỹ năng nhằm phục vụ cho hoạt động của mô hình doanh nghiệp của trường trong thời gian tới”- PGS Hoàn nói.

Hà Thế An

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ