Tấn công mạng giảm nhưng không được lơ là
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á, cho biết: “So với năm ngoái, số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam đều giảm. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đối với an ninh mạng, và đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thành công trong mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số”.
Cần phòng chống tấn công ngoại tuyến khi mã độc lây lan qua USB… Ảnh: T.BA
Nhìn lại những nỗ lực trong công tác an toàn không gian mạng của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở.
Bóc gỡ hàng trăm mã độc
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware) và 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing). Số lượng các cuộc tấn công giảm chủ yếu ở hình thức tấn công Phishing. Riêng với hình thức này, tháng 1 giảm mạnh nhất là 76,86%, tháng 5 giảm ít nhất là 47,37% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số này cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng cho biết, qua theo dõi, trích xuất thông tin từ hệ thống kỹ thuật thời gian qua, cục nhận thấy trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang web Việt Nam (bao gồm cả những trang web sử dụng dịch vụ máy chủ nước ngoài) bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin như: phát tán thư rác; tấn công từ chối dịch vụ; cài đặt và phát tán các loại mã độc; lưu trữ các mã khai thác điểm yếu lỗ hổng một cách tự động như lỗ hổng trên trình duyệt hay các thành phần mở rộng của trình duyệt mà người dùng sử dụng.
Riêng tại TPHCM, Sở TT-TT và Cục An toàn thông tin đã tổ chức triển khai rà soát, xử lý mã độc hệ thống công nghệ thông tin tại 8 đơn vị. Dựa trên thông tin về địa chỉ của từng máy bị lây nhiễm mã độc và dấu hiệu bị lây nhiễm đã phát hiện ra, cơ quan chức năng bóc gỡ mã độc ra khỏi 512 máy tính của người dùng.
Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, chiến dịch bóc gỡ mã độc khỏi máy tính đã mang lại một số hiệu quả nhất định, thể hiện sự phối hợp tốt giữa Cục An toàn thông tin và Sở TT-TT TPHCM. Tuy nhiên, việc phòng, chống mã độc là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục 24/7. Để thực hiện tiếp chiến dịch xử lý mã độc, Sở TT-TT TPHCM và Cục An toàn thông tin sẽ căn cứ tình hình thực tế cùng với những quy định hiện hành thực để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp…
Nỗ lực từ mọi “mặt trận”
Công tác an toàn không gian mạng của Việt Nam trong thời gian gần đây đã có nhiều nỗ lực. Giữa tháng 4-2019, dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng 5 thành viên sáng lập gồm Viettel, VNPT, FPT, Bkav, CMC đã ký kết và công bố thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng”. Các thành viên trong liên minh thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa cơ quan Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cung cấp, phát triển những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng, xã hội; tăng cường mối quan hệ tin cậy, gắn kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp lớn đang làm về an toàn thông tin tại Việt Nam nhằm huy động và gắn kết sức mạnh của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Cùng thời điểm liên minh nói trên ra mắt, tại hội thảo và triển lãm quốc tế về AT-ANM Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: AT-ANM là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.
“Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào internet, nhưng internet lại không an toàn. Chúng ta mong muốn và phải tạo ra một không gian mạng an toàn để thực hiện các giao dịch số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Minh chứng thêm cho nỗ lực trong công tác an ninh mạng, hãng bảo mật Kaspersky cho hay, trong quý 2- 2019, Kaspersky đã phát hiện hơn 19 triệu mối đe dọa trực tuyến và hơn 99 triệu mối đe dọa ngoại tuyến tại Việt Nam. So với quý 2-2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam đã giảm đáng kể.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á, cho biết: “Số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam giảm nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia được dự định tiến hành vào năm 2019 có thể giúp cải thiện an ninh mạng tại Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi rất đề cao các sáng kiến của Chính phủ để thúc đẩy bảo vệ an ninh mạng, nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn đứng đầu khu vực về các mối đe dọa ngoại tuyến, mà nguyên nhân đến từ con người”.
Khác với tấn công trực tuyến, tấn công ngoại tuyến được thực hiện khi mã độc lây lan qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý: Tại Việt Nam, Kaspersky đã phát hiện 99.885.492 sự cố, tương ứng với 59,9% người dùng bị tấn công ngoại tuyến. Việt Nam hiện đang xếp vị trí đầu tiên ở Đông Nam Á và vị trí thứ 30 trên thế giới về các vụ tấn công ngoại tuyến.
|
Bá Tân - Trần Lưu