Phát triển trí tuệ nhân tạo: Chính sách thúc đẩy đầu tư đặc biệt
Trí tuệ nhân tạo (AI là một trong những công nghệ được quan tâm nhất ở thời điểm hiện nay, của làn sóng công nghiệp 4.0. Với lợi thế về nhân lực, khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh, Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm nghiên cứu về AI của khu vực và thế giới nếu thu hút được các nguồn lực để phát triển công nghệ này.
Công nghệ mũi nhọn
AI đang hiện diện khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giao thông vận tải, những chiếc xe không người lái được vận hành ở các mỏ khoáng sản tại nhiều quốc gia. Trong y học, bệnh nhân có thể dùng các phần mềm trên điện thoại, chụp hình điền vào các thông tin gửi lên hệ thống và gần như tức thì, kết quả chẩn đoán bệnh và cách điều trị được gửi về. Hay trong giáo dục, các phần mềm dạy học đã trở nên phổ biến…
Đặc biệt, việc ứng dụng AI ngày càng đóng vai trò quan trọng và tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm nhân công và năng lượng. Nhiều nghề nghiệp cũng sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ tự động hóa, robot hóa…
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho biết, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ những tiến bộ về công suất tính toán và sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.
"AI là một công nghệ "lõi" và công nghệ "nguồn" dẫn dắt năng suất quốc gia, có tác động mạnh, mang tính cách mạng và đột phá đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mọi mặt đời sống của con người; tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm dựa trên hàm lượng trí tuệ trong mọi hoạt động" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Đón làn sóng AI
Theo Bộ KH&CN, tại Việt Nam, từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu. Tiếp đó, tháng 10/2018, Bộ này đã ban hành Kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và Phát triển AI đến năm 2025" nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ, nắm bắt nhanh là lợi thế phát triển AI.
Đặc biệt, lợi thế của Việt Nam trong phát triển AI là đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trẻ, nắm bắt nhanh. Thậm chí, Việt Nam có thể chiếm ưu thế so với các nước khác do có lợi thế về lượng người sử dụng dịch vụ viễn thông lớn. Hiện một số nhóm nghiên cứu về AI của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định như: Máy tự động dịch ngôn ngữ, nhận dạng đối tượng qua camera, trợ lý ảo trên điện thoại di động, xe tự lái…
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI, dữ liệu là yếu tố quan trọng bởi máy móc, thiết bị ra các quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Song, khó khăn của Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng được kho cơ sở dữ liệu dùng chung khổng lồ. Nguồn dữ liệu phân tán ở các ngành, lĩnh vực chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả.
Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển của AI tại Việt Nam thì việc xây dựng và phát triển dữ liệu lớn là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách thúc đẩy sự chung tay đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho một thị trường kinh tế số nói chung và thị trường AI nói riêng bền vững; đầu tư đặc biệt cho phát triển tài năng AI…
Trong hai ngày 15-16/8, Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức Ngày hội AI Việt Nam, nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế - xã hội trọng yếu của Việt Nam.
|
Quỳnh Nga