Ảnh hưởng của môi trường khoáng và chất kháng vi sinh vật trong nhân giống in vitro Thạch tùng răng cưa (Huperzia serrata Thunb.)
Thạch tùng răng cưa (Huperzia serrata Thunb.) là loại dược liệu quý có chứa alcaloid huperzine - hoạt chất chính trong điều trị bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi. Nghiên cứu của Phan Xuân Bình Minh và ctv. được thực hiện nhằm nhân giống in vitro cây dược liệu này.
Nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng trong số đó có cây Thạch tùng răng cưa - cây thuốc quý chữa bệnh Alzheimer và các bệnh thuộc hội chứng sa sút trí tuệ… Thạch tùng răng cưa có tên trong danh sách đỏ của “Chương trình Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene quý hiếm về cây thuốc”. Trong nhân gian cây thuốc này còn có tên gọi khác là cây thông đất. Trước đây, trong y học cổ truyền đều biết đến rất nhiều công dụng chữa bệnh thường phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa viêm gan cấp tính, mắt sưng đỏ đau, phong thấp nhức xương và ho mạn tính. Cây thông đất còn được dùng trị ra mồ hôi trộm, quáng gà, phụ nữ có triệu chứng đẻ non, trẻ em bị bại liệt sau di chứng của một số bệnh. Một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á thường lấy nước sắc cây thông đất dùng làm thuốc rửa, trị phù thũng và cũng dùng trị ho. Tro cây thông đất ngâm trong giấm dùng chườm chữa phát ban… Ngày nay, qua nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra những công dụng quý của nó trong việc ngăn ngừa teo não, sa sút trí tuệ ở người già.
Thạch tùng răng cưa (Huperzia serrata Thunb.) thuộc họ Thạch sam (Huperziaceae), là cây thân thảo mọc ở đất [1]. Cây sinh sản bằng hai hình thức hữu tính và vô tính. Bào tử là mầm sinh sản nhưng chúng thường không hoạt động hoặc hoạt động rất phức tạp, phải mất nhiều năm để có thể nảy mầm và phát triển. Theo nghiên cứu của Ma và cộng sự (2008) thì sự sinh sản của loài này rất chậm, phải mất 15 năm để một bào tử nảy mầm và phát triển thành cây trưởng thành có thể thu hoạch được, Do điều kiện sống khắt khe, khả năng tái sinh trong tự nhiên kém cùng với sự khai thác quá mức vì mục đích thương mại dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài cây này [5]. Nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy in vitro là giải pháp được nhiều tác giả lựa chọn như Liang (2010) [8]; Wojciech, el al. (2013) [9]; Kannichiro, et al. (2013) [10]; Ying-Zi, et al. (2015) [11]. Ở Việt Nam, Lê Thị Lan Anh và cộng sự (2018) đã nghiên cứu kỹ thuật nhân giống Thạch tùng răng cưa bằng phương pháp giâm hom sau 4 tháng có tỷ lệ sống là 87,24% và tỷ lệ ra rễ là 30,32% [12]. Nhưng những kết quả nghiên cứu nhân giống in vitro Thạch tùng răng cưa phục vụ sản xuất dược liệu còn hạn chế, vì vậy việc nhân giống in vitro được cây Thạch tùng răng cưa sẽ tạo hướng phát triển cho vùng trồng loài dược liệu này.
Một nghiên cứu của Phan Xuân Bình Minh và ctv. được thực hiện nhằm nhân giống in vitro cây dược liệu này. Nguyên liệu nuôi cấy là chồi ngọn chưa phân nhánh được khử trùng bề mặt mẫu bằng cách ngâm trong dung dịch NaOCl 3% trong 30 phút, sau đó tiếp tục xử lý với dung dịch H2 O2 30% trong 7 phút. Kết quả cho thấy, khi sử dụng môi trường khoáng MS2 (gồm MS + 0,3 mg/l BAP + 0,01 mg/l IBA) có bổ sung hỗn hợp các chất kháng vi sinh vật gồm: 0,5 mg/l malachite xanh và 100 ml/l kháng sinh AAS (gồm 30 mg/l penicillin, 50 mg/l streptomycin và 125 μg/l amphotericin B) cho tỷ lệ mẫu đạt yêu cầu cao nhất 56,67% sau 30 ngày nuôi cấy, chồi bắt đầu phân nhánh. Từ các mẫu ban đầu tiếp tục cấy chuyển sang môi trường MS1, sau 60 ngày nuôi cấy tỷ lệ mẫu phân nhánh đạt 34,11%, tỷ lệ mẫu ra rễ đạt 19,67% và sau 6 tháng nuôi cấy có hệ số nhân chồi là 3,48 và tỷ lệ cây ra rễ là 53,12%.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam Tập 61 số 5 5/2019