SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả điều trị giãn tĩnh mạch chân độ C1 bằng laser Nd:YAG 1064nm xung dài một lần duy nhất

[11/08/2019 09:36]

Giãn tĩnh mạch chân là rối loạn tĩnh mạch mạn tính thường gặp. Giai đoạn đầu biểu hiện bằng giãn mao mạch và giãn tĩnh mạch hình mạng lưới. Điều trị chủ yếu là chích xơ, tuy nhiên có thể gây biến chứng như tăng sắc tố, giãn mạch đảo nghịch, loét da. Ngoài ra, thao tác thực hiện kĩ thuật khó, đặc biệt là trên các mạch máu kích thước nhỏ.

Ảnh minh họa

Hiện nay, các loại laser xung dài với bước sóng lớn ra đời cùng với thuyết ly giải quang nhiệt chọn lọc đã mở ra một hướng mới cho điều trị giãn tĩnh mạch chân giai đoạn sớm. Ở nước ta, phương pháp điều trị này đã được áp dụng gần đây nhưng chưa phổ biến.

Do đó nghiên cứu này được các nhà khoa học ĐH Y Dược TP. HCM thực hiện nhằm đánh giá đầy đủ hiệu quả cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị giãn tĩnh mạch chân bằng laser xung dài Nd:YAG 1064nm.

Nghiên cứu tiến cứu hàng loạt ca thực hiện tại bệnh viện da liễu TPHCM. Bệnh nhân có giãn tĩnh mạch chân độ C1, được điều trị một lần bằng laser xung dài 1064nm. Thông số laser dựa theo chế độ mặc định của thiết bị và điểm đáp ứng lâm sàng. Trên mỗi bệnh nhân, vùng điều trị được chia thành nhiều ô vuông 2x2cm. Chọn một ô vuông có giãn mạch nhiều nhất để đánh giá hiệu quả tại thời điểm 1 tháng và tác dụng phụ ngay sau điều trị, 24 giờ và sau 1 tháng.

Kết quả: 22 bệnh nhân được nghiên cứu. Có 20/22 bệnh nhân giảm giãn mạch tại thời điểm đánh giá. Tổng số mạch máu trong 22 ô khảo sát là 96. Qua một lần điều trị, tỉ lệ giảm là 71,9% (còn lại 27 mạch máu). Tỷ lệ giảm trên từng bệnh nhân thay đổi từ 0% đến 100% (khoảng tứ phân vị từ 83,33-100%, có 2 trường hợp giảm 0%)). Tỷ lệ này cao hơn ở vùng có mạch máu đường kính lớn (<1mm: giảm 64,38%; 1-2mm: giảm 95%; 2-3 giảm 100%). Tác dụng phụ nhẹ chủ yếu là đau và tăng sắc tố.

Kết luận: Điều trị giãn tĩnh mạch chân độ C1 bằng laser xung dài Nd:YAG 1064nm một lần duy nhất đạt hiệu quả cao, không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tạp chí Y học TP.HCM (Tập 23 – Số 1) (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ