Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Đây là mong muốn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (VINANST-13) được tổ chức tại Quảng Ninh từ ngày 7-9/8/2019. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Qua đó, tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước. Đặc biệt là những nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, môi trường…
Thảo luận tại Hội nghị, bà Nina Palmer (Văn phòng Năng lượng hạt nhân OENE - Bộ Năng lượng Hoa Kỳ) nhấn mạnh, thị trường năng lượng toàn cầu những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc, bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống thì nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng đã được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Bà Nina Palmer cũng đã giới thiệu Văn phòng Năng lượng hạt nhân OENE với sứ mệnh thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân đáp ứng nhu cầu về nguồn cung năng lượng của Hoa Kỳ, cũng như những cơ hội hợp tác với Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường đáp ứng nhu cầu về an ninh năng lượng, đảm bảo giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhấn mạnh vai trò của năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị, giúp tăng cơ hội sống cho nhiều người bệnh Một trong những ứng dụng mới nhất hiện nay đã triển khai thành công tại Việt Nam là sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (3D và IMRT) trên máy gia tốc tuyến tính trong điều trị ung thư. Những hệ thống thiết bị hiện đại về y học hạt nhân và xạ trị đã giúp cho hàng nghìn người bệnh ung thư phổi, vòm họng, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, u não, u máu thể hang, u màng não, u tuyến yên, dị dạng động tĩnh mạch trong não, u dây thần kinh... được điều trị thành công. Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (PET/CT mô phỏng) cho máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật 3D và xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là đỉnh cao của kỹ thuật xạ trị với máy gia tốc tuyến tính lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam.
Với 243 báo cáo khoa học có chất lượng được hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trao đổi thảo luận tại Hội nghị, VINANST-13 được đánh giá là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy ứng dụng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và vì mục đích hòa bình.
Phong Vũ
https://khoahocvacongnghevietnam.com.vn (ctngoc)