Doanh nghiệp còn “trăn trở” về blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đánh giá là xu hướng tất yếu để minh bạch hóa quy trình sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm, trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam xúc tiến ký kết, mà quy tắc xuất xứ luôn là tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhất. Tuy vậy, bên cạnh kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của ứng dụng này.
Quy trình từ xuống giống đến chăm sóc tại vùng nguyên liệu của HTX Thanh Tâm được ghi lại chính xác với ứng dụng blockchain.
Những kỳ vọng và trăn trở
Là một doanh nghiệp nhỏ, từ một huyện nghèo, ông Nguyễn Văn Thu – Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Thanh Tâm (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thương mại hóa sản phẩm và luôn trăn trở làm sao để đưa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng, để họ biết được đó là sản phẩm tốt cho sức khỏe, làm sao để lưu lại quy trình sản xuất một cách trung thực nhất, khoa học và tỉ mỉ nhất.
“Chúng tôi đã tiếp cận với giải pháp truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ blockchain để đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng với các thông tin minh bạch từ khâu sản xuất của người nông dân, đến khâu sơ chế, chế biến thành phẩm cho đến ra sản phẩm cho đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng với blockchain sẽ kiểm soát tốt và làm chủ hoàn toàn quy trình chăm sóc sản phẩm, kiểm soát minh bạch để người tiêu dùng 4.0 có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và tin tưởng tiêu dùng”, ông Thu nói.
Dù đặt niềm về blockchain, tuy nhiên, kể cả với những doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng công nghệ này vẫn còn nhiều “băn khoăn”. Theo ông Hồ Đức Tiến – Giám đốc Công ty TNHH MTV Café Mayaca, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ blockchain, và bước đầu cho thấy công nghệ này sẽ giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của công ty được minh bạch. Tuy nhiên, đó là với những người hiểu và biết về blockchain, trong khi, thực tế là đa phần người tiêu dùng còn chưa biết đến ứng dụng và tác dụng của ứng dụng này, nên các sản phẩm của Công ty ứng dụng blockchain không có sự khu biệt gì so với đơn vị không ứng dụng.
Còn ông Trần Thế Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Hương Trầm (Quảng Ngãi) thì cho biết, công ty ông cũng đang có ý định sẽ ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ trầm hương. Nhưng làm sao để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng là những thông tin từ blockchain đưa ra là chính xác. Vì suy đến cùng, chính doanh nghiệp sản xuất sản phẩm là đơn vị nhập thông tin dữ liệu, còn công nghệ nó chỉ là công nghệ. Trong khi hiện nay, thực tế là niềm tin người tiêu dùng đang bị lung lay rất nhiều bởi nhiều vụ gian lận thông tin.
Cafe MaYaCa ứng dụng công nghệ khối (blockchain) vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng chưa nhiều người biết đến ứng dụng này nên vai trò của blockchain trong thương mại hóa sản phẩm còn khá mờ nhạt.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng lại băn khoăn về khả năng ứng dụng blockchain ở phạm vi rộng, lớn hơn mà cụ thể là chợ đầu mối Hòa Cường (trong tương lai sẽ là chợ đầu mối nông sản Hòa Phước). “Blockchain mới chỉ khả dụng với một doanh nghiệp đơn lẻ. Vậy nếu áp dụng công nghệ khối cho chợ đầu mối thì sao? Ví dụ như trái cây nhập từ nhiều tỉnh về chợ đầu mối nếu muốn ứng dụng công nghệ này để quản lý chuỗi thì như thế nào? Vì Đà Nẵng đã có rất nhiều hoạt động xúc tiến với các địa phương nhập nông sản, trái cây về thành phố để quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhưng thực sự công việc này gặp rất nhiều khó khăn”.
Xu hướng tất yếu nhưng cần có lộ trình
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản – thủy sản – lâm đặc sản là một trong những biểu hiện đó. Dù vậy, đây là một trong những công nghệ còn rất mới, và vì mới nên tính phổ biến thông tin về blockchain còn khá hạn chế. Nhưng, nó là xu thế tất yếu của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, công nghệ khối (blockchain) mới chỉ xuất hiện trong khoảng 2 năm trở lại đây và nở rộ vào năm 2018. Cũng vì vậy, nên với nhiều người tiêu dùng, khái niệm Blockchain còn rất mới mẻ, việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng còn khó.
“Công nghệ blockchain hiện nay hoàn toàn mới chỉ có các doanh nghiệp tiên phong áp dụng. Còn đối với những đơn vị làm công tác quản lý nhà nước, không chỉ ở Việt Nam, thì chúng tôi mới đang dừng ở việc nghiên cứu tính khả thi của ứng dụng này. Một khi ứng dụng này đã được công nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước nó sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng đi đôi với đó, trách nhiệm giám sát ứng dụng này cũng sẽ thuộc về cơ quan quản lý”, ông Quang nói.
Việc ứng dụng blockchain cũng phải có quy trình, chọn lọc; để đưa blockchain trở thành một trong những điểm mạnh của sản phẩm thì cần phải có thời gian để ứng dụng này được công nhận. Tuy nhiên, hơn ai hết mỗi doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình, phải từng bước hoàn thiện các công đoạn, quy trình sản xuất đạt chuẩn để xây dựng niềm tin của khách hàng.
“Hiện chúng tôi đang tiến hành khảo sát về tính khả thi và thực tiễn của ứng dụng. Hoàn thành giai đoạn này, chúng tôi sẽ phối hợp với các Sở Công Thương địa phương, các đơn vị Bộ, ngành, các siêu thị, trung tâm thương mại để đưa các sản phẩm có dán tem blockchain lên kệ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, từ đó, để khu biệt sản phẩm có dán tem và không dán tem để người tiêu dùng biết đến ứng dụng này và tiêu dùng “thông minh hơn””, ông Quang cho hay.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain là xu hướng tất yếu, nhưng cần có thời gian để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn ứng dụng này.
Ông Quang cũng mong muốn sẽ có sự hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp đã và đang có ý định truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua blockchain để từ đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ này, từ đó, giải quyết các vấn đề tồn tại đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển thị trường và khẳng định thương hiệu.
Chia sẻ về vấn đề chợ đầu mối, theo ông Quang, TP. Đà Nẵng nếu muốn ứng dụng blockchain để quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản – trái cây tại chợ đầu mối thì nên bắt đầu từ một sản phẩm cụ thể, khoanh vùng một mặt hàng nào đó có quy trình sản xuất tương đối hoàn thiện để bắt đầu. Từ đó, tiến đến mở rộng đối tượng, phạm vi khoanh vùng. Phải làm từ từ nhưng chắc chắn để lấy lại và tăng niềm tin cho người tiêu dùng.
Vũ Lê