SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ AI sẽ giải quyết lỗ hổng an ninh mạng tại Việt Nam

[15/08/2019 08:27]

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện lỗ hổng bảo mật bằng dự đoán khả năng nhiễm của dữ liệu, tự động sinh ra mã bảo vệ và tiêu diệt mã độc.

Ảnh minh họa: ST.

Chiều 14/8, tại chuyên đề "Tutorial"- các bài giảng đại chúng, thuộc khuôn khổ chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN), TS Nguyễn Việt Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn An toàn Thông tin, Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã có bài giảng về thách thức an toàn thông tin mạng và khả năng ứng dụng AI trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Công nghệ AI được cho là xu hướng để giải quyết các lỗ hổng trong an ninh mạng tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, hiện nay các cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp và tinh vi, chu trình tấn công ngày càng ngắn lại và có kỹ thuật tấn công tiên tiến hơn. Do vậy các phương pháp phân tích mã độc truyền thống sẽ không còn phù hợp.

Với ưu điểm vượt trội, có thể phân tích các dữ liệu chứa mã độc theo phương pháp truyền thống như signature-based (phát hiện xâm nhập bằng cách so sánh), công nghệ AI còn có khả năng học và dự đoán khả năng nhiễm mã độc của dữ liệu, phát hiện lỗ hổng, từ đó tự động sinh ra mã bảo vệ tiêu diệt mã độc.

Tuy nhiên để có thể ứng dụng công nghệ AI rộng rãi, đa lĩnh vực tại Việt Nam, TS Hùng cho rằng cần đầu tư về nguồn lực kinh tế, kỹ thuật và giáo dục mọi người nhận thức về tầm quan trọng của an ninh mạng. "Nhà nước cần đưa ra những quy định siết chặt các hình thức vi phạm an ninh mạng", TS Hùng nói.

Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia về tỷ lệ người tiêu dùng sở hữu thiết bị trong gia đình có tích hợp công nghệ AI. Số lượng kết nối càng nhiều sẽ càng tạo ra lỗ hổng trong an ninh mạng càng lớn. Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia bị tấn công camera giám sát IP bằng mã độc nhiều nhất. Ngoài ra, đa số người sử dụng mạng tại Việt Nam có xu hướng sử dụng phần mềm crack không mất phí, cách này dễ dàng khiến người dùng bị điều khiển tham gia vào một cuộc tấn công mạng nào đó do hacker đính kèm một backdoor, virus âm thầm cài đặt trên máy.

Hiện có một số phương pháp phát hiện lỗ hổng sử dụng công nghệ AI được nghiên cứu trên thế giới hiện nay như deep learning, hệ thống IDS, DIP... Trong đó deep learning có thể phát hiện mã độc dưới dạng ảnh xám, tìm những biểu diễn ảnh. Hệ thống này được cài đặt để phát hiện nội dung, phân loại dữ liệu.

Chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từ 15 - 16/8. Sự kiện được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và Đầu tư, trường Đại học Bách Khoa cùng báo điện tử VnExpress.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam có sự đồng hành của FPT, Viettel, VietinBank, VNPT, VIB, VinGroup, VNPost. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được sự phối hợp từ các đơn vị Five9, Misa, SmartOCR, dinogo, FastGo, Topica, Kambria, VietAI, BKHoldings, Netnam.

Theo dõi sự kiện tại đây.

Nguyễn Xuân

 

 

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ