Khảo sát thành phần loài và phân bố ngành rong lục (chlorophyta) ở khu vực ven đảo và các hòn đảo của Phú Quốc, Kiên Giang
Rong Lục (Chlorophyta) được đánh giá là nguồn nguyên liệu quan trọng và có giá trị thương mại cao do có chứa một lượng lớn carotenoids, vitamins và acid béo chưa bão hòa (Borowitzka, 2013). Bên cạnh đó, rong Lục được ứng dụng để xử lý nước thải (Abinandan and Shanthakumar, 2013).
Ảnh: Internet
Khi so sánh với các nước Đông Nam Á và thuộc vùng Vịnh Thái Lan, Việt Nam được đánh giá là nước có đa dạng loài rong biển cao hơn Philliphines, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia dựa trên kết quả nghiên cứu của Tu và cộng tác viên (2013) công bố danh sách 827 loài rong biển tại Việt Nam, trong đó ghi nhận 183 loài rong Lục và loài mới Caulerpa falcifolia tại Côn Đảo, chúng cũng được tìm thấy tại Indonesia và Tây Bắc nước Úc. Nghiên cứu tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) xác định được 13 loài rong Lục (Đinh Thị Phương Anh và Hoàng Thị Ngọc Hiếu, 2010). Có nhiều nghiên cứu về khảo sát thành phần loài và phân bố các loài rong biển ở nhiều nơi khác nhau nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào khảo sát thành phần loài và phân bố ngành rong Lục ven đảo và các hòn đảo của Phú Quốc - Kiên Giang duy chỉ có kết quả củaPhạm Hoàng Hộ và cộng tác viên (1983)khi khảo sát rong biển ở Phú Quốc đã xác định được 108 loài, trong đó có 2 loài mới cho khoa học và 11 loài mới ghi nhận cho Việt Nam. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy ngành rong Lục khảo sát được 21 loài ở ven biển Dương Đông và Hàm Ninh trong quyển “Thực vật ở đảo Phú Quốc” (Phạm Hoàng Hộ và ctv., 1985). Việc tiến hành khảo sát thành phần loài và phân bố của ngành rong Lục ở Phú Quốc nhằm cung cấp thêm cơ sở dữ liệu về tài nguyên rong biển ở Việt Nam là cơ sở khoa học cho việc đề xuất quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên di truyền các loài rong biển của đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đinh Thị Bé Hiền, Huỳnh Văn Tiền, Trương Trọng Ngôn của Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoa Tài nguyên Môi trường, Đại học Kiên Giang cùng Viện Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học, Đại học Cần Thơ thực hiện. Quá trình thu mẫu chia làm 2 đợt:
Đợt 1: Tháng 3 năm 2017 ở ven các bãi của Phú Quốc: bãi Ông Lang, bãi Vũng Bầu, bãi Dài, bãi Gành Dầu, bãi Rạch Vẹm, bãi Thơm, Hòn Một, bãi Rạch Tràm, bãi Sao, Hàm Ninh, Dương Đông, An Thới và bãi Scenic Adventure Route.
Đợt 2: tháng 5 năm 2017 ven các hòn đảo: Hòn Dừa, Hòn Rơi, Hòn Thơm, Hòn Kim Quy, Hòn Mây Rút Ngoài, Hòn Vông, Hòn Xưởng, Hòn Vang, Hòn Dăm Ngoài, Hòn Dăm Trong, Hòn Khô, Hòn Trang, Hòn Gầm Ghi, Hòn Móng Tay.
Kết quả khảo sát tại 27 địa điểm đã thu được 31 mẫu, dựa vào đặc điểm hình thái và giải phẫu đã phân loại được 12 loài rong Lục thuộc 6 chi, 6 họ, 4 bộ trong 2 lớp. Chỉ số đa dạng sinh học của rong Lục được thể hiện qua các thông số (H’: 0.299 - 0,366; J’: 0,120 - 0,147), loài Ulva fasciata Delile có chỉ số đa dạng cao (H’ = 0,366; J’: 1,147) và có 8 loài với chỉ số đa dạng thấp hơn (H’: 0,299; J’: 0,120). Chỉ số tương đồng Bray-Curtis (0,44% - 99,76%) cho thấy rằng loài có chỉ số tương đồng cao nhất (99,76%) cùng xuất hiện tại Hòn Vong và kết quả xác định bản đồ địa lý cho thấy rong Lục được phân bố ven các bãi và hòn của Phú Quốc phân bố không đồng đều.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam số 02/2018