Đánh giá khả năng chịu mặn ở đầu giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng của một số giống khoai sọ (Colocasiaesculenta (L.) Schott var. antiquorum)
Nghiên cứu được các tác giả Phan Thị Hồng Nhung , Phạm Văn Cường, Tăng Thị Hạnh và Trần Thị Minh Ngọc (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện nhằm đánh giá sinh trưởng và khả năng chịu mặn của một số giống khoai sọ trồng trong điều kiện xử lý mặn nhân tạo bằng NaCl tại Gia Lâm, Hà Nội.
Ảnh minh họa: Internet
Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 4 - 7/2018 và từ tháng 9 -12/2018 tại khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.
Thí nghiệm đã tánh giá ảnh hưởng của 4 mức mặn (0%, 0,15%, 0,3% và 0,45% NaCl) đến sinh trưởng của 5 giống khoai sọ (Tím Tủa Chùa, Trắng Pù Nhung, Tím Mộc Châu, Trắng Thuận Châu và KS4) ở đầu giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng. Mặn được xử lý khi cây có 4 lá và kéo dài trong thời gian 8 tuần.
Kết quả thí nghiệm cho thấy sinh trưởng của các giống bị ảnh hưởng khác nhau bởi các điều kiện mặn. Giống Tím Mộc Châu có khả năng chịu mặn tốt nhất, sinh trưởng của cây vẫn tăng khi bị nhiễm mặn nhẹ ở mức 0,15% và vẫn duy trì được khối lượng chất khô cao khi bị nhiễm mặn 0,45% NaCl trong 8 tuần. Khả năng chịu mặn thấp hơn là giống Trắng Pù Nhung, Trắng Thuận Châu và Tím Tủa Chùa. Giống KS4 chịu mặn kém nhất, sinh trưởng của cây giảm mạnh khi bị xử lý mặn ở mức 0,3% trong 4 tuần. Ở cả điều kiện mặn và không mặn, khối lượng chất khô tích lũy thân lá không có mối tương quan với khối lượng tích lũy chất khô rễ củ ở cùng thời điểm, nhưng có tương quan với các chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao bẹ lá, chiều dài phiến lá, chiều rộng phiến lá và đường kính tán lá.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 3 - 2019 (nhnhanh)