Ảnh hưởng tỷ lệ C:N khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống trong ương giống cá kèo (Pseudapocryptes elongates)
Nghiên cứu do các tác giả Lê Quốc Việt, Trần Minh Phú và Trần Ngọc Hải (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm xác định tỷ lệ C:N thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống trong ương cá kèo (Pseudapocryptes elongates) giống theo công nghệ biofloc.
Ảnh minh họa: Internet
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức: (i) đối chứng (không bổ sung carbohydrate), (ii) C:N=15:1, (iii) C:N=20:1 và (iv) C:N=25:1, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể ương có thể tích 0,5 m3 (chứa 0,3 m3 nước) và nước ương có độ mặn 15‰. Cá có khối lượng và chiều dài ban đầu tương ứng là 0,02±0,005 g và 1,50±0,09 cm, được ương với mật độ 1,000 con/m3 (300 con/bể). Trong thời gian ương, các yếu tố môi trường nước như: TAN, nitrite, thể tích biofloc và chlorophyll-a đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của cá. Sau 42 ngày ương, ở nghiệm thức C:N=15:1 đạt kết quả tốt nhất với khối lượng đạt 3,06g/con, tốc độ tăng trưởng 0,053 g/ngày (8,95%/ngày), tỷ lệ sống 48,8%, sinh khối 1,4 kg/m3 và hệ số thức ăn là 1,08.
Ứng dụng công nghệ biofloc trong ương giống cá kèo, giúp cải thiện chất lượng nước (hàm lượng TAN và nitrite giảm thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng). Ương cá kèo giống theo công nghệ biofloc với tỷ lệ C:N=15:1 là thích hợp nhất: sinh khối đạt 1,4 kg/m3, tỷ lệ sống 48,8% và hệ số thức ăn 1,08.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Tập 55, Số 3B (2019) (nhnhanh)