Nghiên cứu tỉ lệ ối vỡ sớm và yếu tố liên quan tại bệnh viện phụ sản Thành Phố Cần Thơ năm 2016
Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Thị Ánh Trinh và Lâm Đức Tâm - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhằm mô tả tỉ lệ và yếu tố liên quan ở sản phụ đến khám tại bệnh viện Phụ sản Cần Thơ năm 2016.
Đối với các trường hợp ối vỡ sớm là ối vỡ khi vào chuyển dạ ở thai kỳ đủ tháng, chiếm 8%- 13,6% và tỉ lệ này đang có xu hướng tăng; nhằm mô tả tỉ lệ và yếu tố liên quan ở sản phụ đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ năm 2016.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu là sản phụ mang thai trên 37 tuần đến sinh tại Bệnh viện trong năm 2016, với nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích trên 1357 sản phụ. Kết quả cho thấy tỉ lệ ối vỡ sớm là 16,95%. Liên quan đến ối vỡ sớm gồm điều kiện kinh tế: Thu nhập thấp tăng nguy cơ ối vỡ sớm 5,27 lần. Nghề nghiệp: Lao động vất vả, nặng nhọc tăng nguy cơ ối vỡ sớm từ 1,78 đến 2,45 lần. Chỉ số khối cơ thể <20 có nguy cơ ối vỡ sớm cao gấp 3 lần so chỉ số khối cơ thể ≥20. Tiền thai: Sinh con rạ có nguy cơ vỡ ối sớm giảm 33% so với sinh con so. Tiền căn sản khoa: Tiền căn sẩy thai, nạo phá thai làm tăng nguy cơ ối vỡ sớm từ 1,5 đến 3 lần. Tiền căn tử cung có sẹo mổ cũ làm giảm nguy cơ ối vỡ sớm 63%. Ngôi thai: Ngôi thai bất thường tăng nguy cơ ối vỡ sớm hơn 3 lần. Số lượng bạch cầu: Nguy cơ tăng số lượng bạch cầu gấp 1,44 lần ở ối vỡ sớm. Đặc điểm trẻ sơ sinh: Ối vỡ sớm tăng nguy cơ sinh non 2,68 lần, trẻ sơ sinh nhẹ cân 2,81 lần, kết quả trẻ sơ sinh không tốt 4,03 lần. Phương pháp sinh: Ối vỡ sớm tăng nguy cơ mổ lấy thai 3,82 lần.
Kết luận: tỉ lệ ối vỡ sớm là 16,95% và có sự liên quan giữa ối vỡ sớm với điều kiện kinh tế, nghề nghiệp, chỉ số khối cơ thể, tiền thai, tiền căn sản khoa, ngôi thai, bạch cầu, phương pháp kết thúc thai kỳ và đặc điểm trẻ sơ sinh
Tạp chí Y Dược học Cần thơ 13-14/2018